Theo dõi Báo Hànộimới trên

Địa chỉ “đỏ” cho động vật hoang dã

Sơn Tùng| 27/02/2019 11:57

2018 tiếp tục là một năm Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội làm tốt công tác tham mưu, tổ chức bộ máy và cơ sở vật chất, chuồng trại hiện có phục vụ công tác cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh vật, động vật hoang dã…


Từ khi thành lập, Trung tâm luôn tổ chức sắp xếp, bố trí nhân sự hợp lý; thường xuyên tu sửa, chuẩn bị chuồng trại, vật tư, thuốc men, thức ăn động vật; triển khai bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ nhân viên nhằm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng kịp thời các vụ tiếp nhận động vật hoang dã do cơ quan chức năng bàn giao. Đơn vị đã tổ chức thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ. Năm 2018, Trung tâm đã tiếp nhận 73 vụ do các cơ quan chức năng thu giữ, chuyển về với 399 cá thể động vật hoang dã và 13kg rắn các loại. Công tác phòng trị bệnh cho động vật hoang dã được triển khai đúng quy trình kỹ thuật với 26 đợt tiêm phòng định kỳ cho 2.314 cá thể; điều trị 133 đợt cho 931 lượt cá thể gồm: Hổ, mèo rừng, gấu ngựa...

Trung tâm tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.


Theo Trung tâm, hầu hết các loài động vật hoang dã tại đây đều do lực lượng chức năng tịch thu và bàn giao. Sau tiếp nhận, các cá thể này được đưa về nuôi nhốt, chăm sóc, chữa trị vết thương. Tiếp đó, chúng từng bước được thuần dưỡng, đến thời điểm phục hồi sức khỏe, đủ khả năng sinh sống sẽ được thả về môi trường tự nhiên. Trung tâm đã chuyển giao 3 đợt với 15 cá thể động vật tới Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội; tổ chức tạm chuyển giao 1 đợt tái thả động vật về môi trường tự nhiên với 73 tê tê Java cho Vườn Quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình).

Chăm sóc động vật hoang dã tại Trung tâm.


Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn động vật hoang dã đối với các loài nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao (hổ, gấu, vượn đen má trắng, chim hồng hoàng...), việc hợp tác với một số tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ, làm giàu phúc lợi cho động vật và công tác thú y cũng được Trung tâm coi trọng. Giám đốc Trung tâm Lương Xuân Hồng cho biết: Trung tâm thường tiếp nhận các động vật hoang dã do các cơ quan chức năng thu giữ từ các đơn vị, cá nhân buôn bán, chăn nuôi bất hợp pháp; việc tiếp nhận còn được thực hiện từ phía cá nhân, tổ chức tự nguyện bàn giao động vật hoang dã. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm gặp khá nhiều khó khăn như: Việc xử lý đối với các vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài động vật hoang dã của các cơ quan chức năng thường kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cứu hộ; mặt khác, động vật hoang dã bị bắt giữ do buôn bán trái phép luôn có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, thậm chí còn lây sang cả người; số lượng động vật hoang dã đang cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm thường xuyên bị quá tải so với cơ sở vật chất của đơn vị...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2019, đơn vị tiếp tục củng cố cơ sở vật chất, thực hiện tốt chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế về nghiên cứu khoa học, cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã. Mặt khác, Trung tâm thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, phòng trị bệnh trong quá trình cứu hộ, bảo tồn và thả, chuyển giao động vật hoang dã về môi trường tự nhiên sau cứu hộ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Địa chỉ “đỏ” cho động vật hoang dã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.