Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lao động qua đào tạo ở Hà Nội: Chất lượng, sát nhu cầu thị trường

Minh Ngọc| 03/03/2019 06:28

(HNM) - Trong những năm gần đây, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội tăng từ 3% đến 5% mỗi năm, cao nhất cả nước. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương đã bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức đào tạo...

Thành phố Hà Nội có tỷ lệ lao động được đào tạo nghề dẫn đầu cả nước. Trong ảnh: Một giờ thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Hữu Tiệp


Thay đổi nhận thức

Yêu thích nghề may, chị Lê Thị Chắt (sinh năm 1985), thôn Bãi, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề. Sau khóa học nghề trình độ sơ cấp vào cuối năm 2017, chị Chắt đã có thể gia công những sản phẩm khó, nhờ đó thu nhập tăng 3 - 4 triệu đồng/tháng (năm 2017), lên mức 6 - 7 triệu đồng/tháng (năm 2018). Chị Lê Thị Chắt cho biết: “Cùng làm một công việc, lao động qua đào tạo có thể tạo ra năng suất gấp nhiều lần lao động giản đơn”. Có thể khẳng định, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai rộng khắp trên địa bàn TP Hà Nội những năm gần đây, đã mang đến cơ hội việc làm tốt hơn cho khoảng 100.000 người, bảo đảm trên 80% số người có việc làm sau học nghề.

Hình thức đào tạo nghề tập trung tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng thu hút nhiều lao động đăng ký theo học. Riêng năm 2018, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 185.000 lượt người, đạt 103,2% kế hoạch. Đa số lao động có việc làm, thu nhập ổn định sau khi ra trường.

Đáng chú ý, nhiều học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho tương lai. Em Đỗ Hương Ly (sinh năm 2001), ngõ 469, đường Ngọc Hà (quận Ba Đình) cho hay: “Yêu thích nghề nấu ăn nên đã đăng ký học nghề song song với học văn hóa tại Trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội. Tháng 6 tới ra trường, em sẽ đi làm, lấy tiền đầu tư cho việc học tiếp”. Hiện tại, Trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội thường xuyên có khoảng 600-700 học sinh (chiếm hơn 80% học sinh của nhà trường) vừa học nghề, vừa học văn hóa. “Đông đảo người lao động lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở phần nào cho thấy, nhận thức về định hướng nghề nghiệp từng bước có sự thay đổi, đi vào thực chất phù hợp với trình độ và nhu cầu”, ông Phạm Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội nhận định.

Về phía người sử dụng lao động, chị Nguyễn Thị Thanh Hương, cán bộ hành chính của Công ty TNHH Akebono Kasei Việt Nam, Khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư (quận Long Biên) đánh giá: Đa số lao động ở Hà Nội đã qua đào tạo nghề, nên dễ dàng tìm được việc làm, được hưởng mức lương và chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Trong quá trình tuyển dụng, các doanh nghiệp đều muốn tuyển được nhiều lao động ở Hà Nội vào làm việc lâu dài.

Đào tạo theo sát nhu cầu thị trường

Giờ thực hành nấu ăn của học sinh Trường Trung cấp kỹ thuật tin học Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền


Hoạt động đào tạo nghề theo sát nhu cầu của người học và thị trường lao động, đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Bằng chứng là tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo ở Hà Nội đã tăng từ 27,5% vào năm 2008, lên 63,18% năm 2018, cao nhất cả nước. “Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70-75% vào năm 2020. Với tốc độ tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3% đến 5% mỗi năm, nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô có thể về đích đúng thời hạn”, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tin tưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề, người lao động trong thời kỳ mới cần bổ sung những yếu tố như kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp; biết sử dụng công nghệ thông tin, giao tiếp ngoại ngữ… “Ở góc độ này, một bộ phận không nhỏ người lao động ở Thủ đô và cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận xét.

Hơn nữa, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội tuy cao, song mới có gần 50% số người đang làm việc có bằng cấp, chứng chỉ và thị trường lao động còn mất cân đối về nhiều mặt… Chẳng hạn, huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì đang phấn đấu lên quận, nhưng tỷ lệ lao động nông nghiệp ở những địa phương này vẫn chiếm từ 30% đến 50%. Tại huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa…, lao động trong ngành Nông nghiệp chiếm đa số, song lại thiếu người có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. “Nếu không sớm được khắc phục, sự bất hợp lý đó sẽ tác động tiêu cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ”, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức nêu vấn đề.

Để hoạt động đào tạo nghề theo sát nhu cầu của xã hội hơn nữa, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội kiến nghị các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu mô hình trường học thông minh, giúp người học có thể học nghề mọi chỗ, mọi nơi. Ở cấp vĩ mô, Nhà nước nên thành lập hội đồng kỹ năng ngành, nghề. Tổ chức này làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành, làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình đào tạo sát thực tiễn.

Còn bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search - đơn vị sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, khuyến nghị các đơn vị đào tạo nên cập nhật chương trình đào tạo bảo đảm tính thực tiễn, đón đầu xu hướng thị trường. Về phía người lao động cần có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, thay đổi tư duy, thái độ làm việc để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa…

Đồng tình với những quan điểm nêu trên, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, năm 2019, công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo không tách rời nhu cầu sử dụng lao động, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Trên tinh thần đó, những ngành, nghề trọng điểm, cần sử dụng nhiều lao động được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019 chỉ còn 15.615 người và chỉ triển khai ở những địa phương thực sự có nhu cầu để bảo đảm có ít nhất 80% số người học nghề có việc làm.

Với các giải pháp khả thi, đồng bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nội chắc chắn sẽ tăng nhanh cả về lượng và chất, bám sát nhu cầu của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động qua đào tạo ở Hà Nội: Chất lượng, sát nhu cầu thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.