Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển thanh tra xây dựng về quận, huyện: Từng bước phát huy hiệu quả

Dạ Khánh| 05/03/2019 07:30

(HNM) - Trước tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp, việc điều chuyển lực lượng thanh tra xây dựng chịu sự quản lý trực tiếp từ chính quyền địa phương được xem là giải pháp nhằm kiểm soát chặt hoạt động xây dựng trên địa bàn.


Thực hiện Quyết định số 3406/QĐ-UBND (ngày 4-7-2018) của UBND TP Hà Nội về thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã (trên cơ sở tổ chức lại Đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng); đến ngày 8-8-2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành bàn giao 1.393 thanh tra xây dựng về các quận, huyện, thị xã; đồng thời, bàn giao toàn bộ tài sản, phương tiện, trụ sở làm việc trên cơ sở hiện trạng của từng đội.

Ông Trịnh Lê Đức, Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho biết, việc điều chuyển, đưa đội ngũ thanh tra xây dựng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền cơ sở giúp công tác điều hành, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đồng bộ hơn. Ngoài ra, việc bổ sung người cũng giúp địa phương tăng thêm lực lượng, giúp thực hiện tốt hơn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động xây dựng trên địa bàn.

Tại quận Hai Bà Trưng, nhờ sự đồng bộ trong công tác quản lý, cùng sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung tháo gỡ từ khâu cấp phép xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vì vậy trong thời gian qua, số các công trình vi phạm trật tự giảm, chủ yếu là vi phạm cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ. Đặc biệt, các công trình vi phạm mới được phát hiện kịp thời và tập trung chỉ đạo xử lý sớm. Năm 2018, trong tổng số 1.060 công trình xây dựng được kiểm tra trên địa bàn, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã lập hồ sơ xử lý 177 trường hợp.

Trong khi đó, tại quận Bắc Từ Liêm, trong tổng số 1.151 công trình xây dựng được kiểm tra trong năm qua, chỉ có 52 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đạt được kết quả này, ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, UBND quận đã có quy định rõ quy trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn...

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) chia sẻ, việc bàn giao đội ngũ thanh tra xây dựng về các UBND quận, huyện, thị xã giúp công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị có những chuyển biến tích cực. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn; không để xảy ra các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Năm 2018, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 20.367 công trình. Qua đó, phát hiện, lập hồ sơ xử lý đối với 1.065 trường hợp có vi phạm (chiếm 5,22%). So với năm 2017, tỷ lệ công trình xây dựng vi phạm đã giảm một nửa (năm 2017 tỷ lệ này là 10,99%).

Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Hùng, do có những thay đổi về cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý nhà nước về xây dựng (Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27-11-2017 có hiệu lực từ ngày 15-1-2018, thay thế các nghị định trước đó), cũng như sau điều chuyển, Hà Nội chưa có quy định cụ thể về chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng, nên vẫn còn những hạn chế do phân định trách nhiệm chưa rõ ràng.

Do đó, mới đây (ngày 19-2-2019), Sở Xây dựng Hà Nội đã trình UBND thành phố dự thảo quyết định của UBND thành phố ban hành quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội. Với các điều khoản quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ trong tổ chức bộ máy, lực lượng quản lý trật tự xây dựng từ cấp phường, xã đến cấp quận, huyện, thành phố; nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan... quy định bảo đảm tính thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý trật tự xây dựng theo quy định.

Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc ban hành quyết định là cần thiết, để phù hợp với tình hình thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay; giúp công tác quản lý trật tự xây dựng đi vào nền nếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển thanh tra xây dựng về quận, huyện: Từng bước phát huy hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.