Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng cây xanh chết, chậm được trồng mới

Minh Hoàng| 26/03/2019 07:04

(HNM) - Cây xanh chết khô, trơ trụi lá sau khi trồng nhưng không được chặt bỏ, trồng bổ sung kịp thời là thực trạng đang xảy ra ở một số tuyến đường, phố hay khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội.

Nhiều cây lát xoan trồng tại Đại lộ Thăng Long bị chết nhưng chưa được thay thế.


Cây chết khô, mất gốc không được thay thế

Theo khảo sát của phóng viên, hiện ở một số tuyến đường, phố, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, tình trạng cây xanh chết khô, thậm chí một số cây chết đã nhổ bỏ gốc nhưng vẫn chưa được trồng cây mới thay thế diễn ra tương đối nhiều. Đa số các cây xanh bị chết đều là cây mới trồng, có đường kính gốc trung bình 10-20cm.

Tuyến đường xuất hiện nhiều cây chết khô nhất phải kể đến là Đại lộ Thăng Long. Trong đó, có thể kể đến tại dải phân cách đoạn Km11, qua xã Song Phương (Hoài Đức) có gần chục cây lát hoa trồng sát nhau chết khô, trơ trụi lá. Tại dải phân cách đoạn gần cầu vượt An Khánh (huyện Hoài Đức); vỉa hè khu vực giáp cầu kênh Đồng Mô (huyện Quốc Oai)… cũng có nhiều cây chết khô, vỏ cây nứt toác vẫn chưa được chặt hạ, trồng thay thế. Tuyến đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010 với 6 dải cây xanh được trồng ở vỉa hè và 2 dải phân cách giữa làn đường gom và đường cao tốc.

Tuy nhiên, sau khi trồng một thời gian, không ít cây ở đây bị chết. Trước thực trạng đó, đơn vị phụ trách việc trồng, chăm sóc cây dọc tuyến đường đã tổ chức trồng thay thế, nhưng sau khi trồng lại, vẫn có nhiều cây bị chết.

Cùng cảnh ngộ, nhiều tuyến đường khác trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông… cũng tồn tại tình trạng cây xanh chết nhưng chưa được trồng lại. Cụ thể, vỉa hè phía bên phải đường Lê Quang Đạo hướng từ Đại lộ Thăng Long rẽ vào khoảng 300m nhưng có tới 10 cây xanh chết đã được nhổ bỏ gốc, trơ trọi bồn đất; có đoạn 3-4 cây chết liền nhau.

Hay như tuyến đường Nguyễn Xiển, đoạn trước cửa Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao (Bộ Công an) cũng có 2-3 cây chết liền nhau chưa được trồng lại. Vỉa hè đường Quang Trung, quận Hà Đông cũng vậy, một số cây sao đen bị chết 2-3 năm nay nhưng vẫn chưa có đơn vị nào trồng thay thế dù người dân đã nhiều lần kiến nghị.

Bên cạnh tình trạng nhiều cây xanh trên các tuyến đường, phố chết khô chậm được trồng lại, tại một số khu đô thị mới cũng xảy ra tình trạng nhiều cây xanh chết khô. Dạo một vòng quanh Khu đô thị mới Thanh Hà - Cienco 5, phóng viên nhận thấy có rất nhiều cây xanh chết khô, trơ trụi. Đáng nói, một số tuyến đường trong khu đô thị có tới 15-20% số cây xanh mới trồng bị chết.

Cần khắc phục triệt để

Tìm hiểu được biết, nguyên nhân khiến cây xanh bị chết chủ yếu do công tác quản lý, chăm sóc chưa được chú trọng, kỹ thuật trồng, công tác chăm sóc sau trồng chưa bảo đảm, hoặc cây bị xâm hại bởi con người và thiên tai dẫn đến cây chết. Ngoài ra, do mực nước ngầm cao, nguồn nước ô nhiễm, hay cây bị ngập nước… cũng là nguyên nhân khiến cây xanh chết. Thông thường, sau khi cây chết, chính quyền địa phương nắm bắt tình hình, báo cáo để đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường biết để có biện pháp thay thế. Tuy vậy, không hiểu vì thực trạng nhiều tuyến đường có cây xanh chết đã lâu nhưng không được trồng thay thế vẫn diễn ra (?!).

Gần chục cây xanh trên đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) chết từ lâu nhưng đến nay chưa được trồng lại.


Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Những năm qua công ty đã thực hiện tốt công tác quản lý, duy trì, chăm sóc cây xanh đã trồng trên các tuyến đường, phố được giao quản lý sau đầu tư. Đặc biệt, tại những tuyến phố được trồng mới, trồng bổ sung cây xanh, sau một thời gian trồng, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát lại. Nếu ghi nhận những ô, vị trí cây chết sẽ tiến hành trồng thay thế.

“Tại các vị trí, tuyến đường có cây chết như kể trên, công ty sẽ cử cán bộ kiểm tra và có kế hoạch trồng thay thế trong thời gian sớm nhất” - ông Mạnh khẳng định.

Từ năm 2016 đến nay, công tác trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, Chương trình mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh của thành phố trong 5 năm (2016-2020) đã về đích trước 2 năm. Các đơn vị được giao quản lý, duy trì, chăm sóc cây xanh trên địa bàn đã thay đổi cách trồng, áp dụng kỹ thuật trồng mới và chú trọng chăm sóc cây sau khi trồng.

Theo đó, tỷ lệ phủ xanh được nâng lên rõ rệt. Sau mỗi đợt trồng mới, các đơn vị thường xuyên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực cây trồng nhằm rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật, năng lực quản lý để chăm sóc, bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất.

Thành phố Hà Nội đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh, việc trồng thêm cây xanh góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành là việc làm hết sức cần thiết. Theo kế hoạch, trong năm 2019, toàn thành phố phấn đấu trồng mới khoảng 400.000 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị thành phố. Việc trồng cây xanh vừa tăng thêm diện tích xanh, vừa tạo vẻ đẹp, cảnh quan cho đô thị.

Do đó, để cây phát triển tốt, các đơn vị đảm nhận nhiệm vụ trồng, duy trì chăm sóc cây xanh trên địa bàn Hà Nội cần thực hiện nghiêm quy trình trồng cây mới. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, kiểm tra, nếu phát hiện cây mới trồng bị chết phải có kế hoạch trồng bổ sung kịp thời, tránh tình trạng cây xanh chết không được trồng bổ sung tạo nên bức tranh không đẹp mắt như trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng cây xanh chết, chậm được trồng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.