Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác xã hội - Nghề nhân văn

Bài, ảnh: Hà Hiền| 31/03/2019 07:28

(HNM) - Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán, người lang thang xin ăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa… đều là đối tượng trợ giúp khẩn cấp của các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Trước tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em có xu hướng gia tăng, dân số già hóa nhanh, khí hậu diễn biến thất thường…, công tác xã hội - nghề có ý nghĩa nhân văn cần được quan tâm để mở rộng, phát triển.

Đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn quận Cầu Giấy thường xuyên nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần.


Điểm tựa của nhóm người yếu thế

Ở nước ta, công tác xã hội là nghề khá mới, nên chưa được nhận diện rõ nét, có chỗ, có nơi còn nhầm lẫn với những hành động, việc làm từ thiện. Để công tác xã hội trở thành cầu nối đưa các chính sách an sinh xã hội đi vào đời sống, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã thành lập một số cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; đồng thời bố trí đội ngũ cán bộ làm nghề theo hướng chuyên nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, chỉ cần nhận được thông tin phản ánh có người lang thang là các thành viên Đội trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Bảo trợ xã hội I và Trung tâm Bảo trợ xã hội II lại lên đường tìm kiếm. Sẵn sàng làm việc 24/24 giờ, trung bình mỗi năm, các đội trật tự xã hội lưu động đưa gần 1.000 người lang thang về các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc đưa về nơi cư trú. “Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Trung tâm Bảo trợ xã hội I vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, có lẽ giờ này tôi vẫn lang thang ở nơi nào đó, không được sống bình yên tại quê hương”, ông Nguyễn Văn Cử, thôn Bảo Châu, xã Quảng Châu, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) bày tỏ.

Đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội đã tiếp nhận thông tin, hỗ trợ khẩn cấp cho gần 300 trường hợp, trong đó có 75 người đã hòa nhập cộng đồng. Có thể kể đến là trường hợp của chị Phạm Thị T., phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng). Thời điểm năm 2015, chị vừa mang thai, vừa dắt theo con nhỏ ăn, ngủ trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai. Biết tin, đội ngũ cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội từng bước tiếp xúc để tư vấn tâm lý, đưa đi khám sức khỏe và hỗ trợ sinh con an toàn. Sau thời gian được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV, chị Phạm Thị T. đã đưa các con tái hòa nhập cộng đồng.

Trong vụ việc cháu V.N.Q (9 tuổi), xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ) nghi bị xâm hại tình dục xảy ra gần đây, cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội cũng có mặt kịp thời để hỗ trợ. “Bước đầu, cháu V.N.Q đã ổn định tâm lý, đi học bình thường”, chị Nguyễn Anh Trang, cán bộ Phòng Tư vấn và trợ giúp đối tượng cho biết.

Ngoài các dịch vụ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố đã xây dựng hơn 1.600 mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng làm nơi tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực. “Hiện nay, gần 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội có đời sống vật chất, tinh thần tương đối đầy đủ. Qua đó có thể nhận thấy, sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ là giải pháp hữu hiệu bảo đảm quyền lợi cho nhóm người yếu thế, góp phần giảm thiểu những rào cản và bất bình đẳng trong xã hội”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đánh giá.

Cần được mở rộng, phát triển

Theo thống kê của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 871.000 người cao tuổi, chiếm 11,62% dân số. Tương lai không xa, một bộ phận không nhỏ người cao tuổi sẽ cần đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ xã hội. Hơn nữa, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em có xu hướng gia tăng, khí hậu diễn biến thất thường… sẽ kéo theo số người cần nhận được sự trợ giúp xã hội tăng lên. Trong khi đó, hiện nay, thành phố chưa có mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội tại các xã, phường, thị trấn khiến việc triển khai các giải pháp trợ giúp đến đối tượng gặp nhiều khó khăn. Một số vụ việc xảy ra với nhóm người yếu thế chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm mong muốn các ngành, địa phương quan tâm phát triển dịch vụ công tác xã hội đến cấp cơ sở; đầu tư nguồn lực vật chất, con người cho nghề đặc thù này.

Ở cấp vĩ mô, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị, Nhà nước xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội. Đặc biệt, Luật Công tác xã hội cần được xây dựng, ban hành, tạo ra hành lang pháp lý để thu hút các nguồn lực đầu tư. Dưới góc độ nghiên cứu, bà Tiêu Thị Minh Hường, giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động - Xã hội cho rằng, công tác xã hội phải được coi là một nghề chính thức tại Việt Nam và các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp phải tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề công tác xã hội ở nhiều trình độ.

Trên thực tế, địa phương nào cung cấp dịch vụ công tác xã hội đến cơ sở, thì người dân nơi đó được quan tâm, chăm sóc toàn diện hơn. Ví dụ như ở huyện Thanh Oai, mô hình công tác xã hội đã hình thành tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, giúp địa phương này nắm rõ nhu cầu hỗ trợ của hơn 200 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để trợ giúp kịp thời. “Đưa mô hình công tác xã hội vào trường học đã góp phần nâng cao nhận thức của học sinh và giáo viên trong các vấn đề xã hội, tác động tích cực tới chất lượng giáo dục toàn diện”, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác xã hội - Nghề nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.