Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công đoàn Việt Nam đang ở vào thời điểm có tính bước ngoặt

Khánh Thu| 09/04/2019 14:28

(HNMO) - Ngày 9-4, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị chuyên đề “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thời cơ và thách thức đối với tổ chức Công đoàn Thủ đô”...


Dự hội nghị có 250 cán bộ công đoàn là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố; chủ tịch công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp có từ 2.000 đoàn viên trở lên và lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã thông tin, quán triệt cho cán bộ công đoàn Thủ đô 3 chuyên đề: Một số vấn đề lớn đặt ra trong lĩnh vực quan hệ lao động và tổ chức công đoàn Việt Nam hiện nay; cơ hội và thách thức của công đoàn Việt Nam trong hội nhập CPTPP; tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới công nhân và hoạt động công đoàn.

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, Công đoàn Việt Nam đang ở vào thời điểm có tính bước ngoặt với nhiều thời cơ và thách thức mới.

“Với việc phê chuẩn CPTPP, lần đầu tiên vấn đề 'đa công đoàn' được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Từ nay, Công đoàn Việt Nam vừa phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện người lao động khác để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, vừa phải giữ vững vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, do đó, có thể phát sinh nhiều vấn đề rất phức tạp, trực tiếp tác động đến Công đoàn Việt Nam... Nếu Công đoàn Việt Nam không có nguồn lực đủ mạnh để tạo ra những quyền lợi khác biệt và lớn hơn giữa đoàn viên công đoàn, và người lao động không phải là đoàn viên công đoàn sẽ bất lợi trong việc cạnh tranh, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động mới thành lập gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam” - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Vì vậy, để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, các cán bộ công đoàn phải đổi mới tư duy, thay đổi một cách thực chất hoạt động công đoàn, hướng về cơ sở, tạo nên những giá trị và lợi ích đích thực cho đoàn viên, người lao động; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn, khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam đối với người lao động, trong hệ thống chính trị và đối với xã hội, tạo dấu ấn mới khi Công đoàn Việt Nam tròn 90 năm hình thành và phát triển.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đề nghị các cán bộ công đoàn Thủ đô tiếp thu đầy đủ các nội dung đã được quán triệt, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng vào thực tiễn, chủ động định hướng trong hoạt động công tác công đoàn sao cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công đoàn Việt Nam đang ở vào thời điểm có tính bước ngoặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.