Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên tính lương lũy tiến theo giờ làm thêm

Linh Chi| 10/04/2019 07:35

(HNM) - Góp ý vào đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về giờ làm thêm tăng lên tối đa 400 giờ mỗi năm, nhiều cán bộ công đoàn kiến nghị, cần có quy định về mức lương lũy tiến theo số giờ làm thêm để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động.


Việc nới rộng khung giờ làm thêm sẽ mang lại thu nhập cao hơn cho người lao động nhưng cũng có nhiều hệ lụy. Theo anh Hồ Văn Đạt (công nhân Công ty TNHH Doojung Việt Nam, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), do thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên đa số công nhân lao động có nhu cầu tăng ca để đủ tiền trang trải chi tiêu. Dù vậy, đó chỉ là chuyện “cực chẳng đã”, bị thúc ép bởi nhu cầu của cuộc sống, bởi làm thêm nhiều khiến công nhân rất mệt mỏi. Chị Nguyễn Thị Giang (công nhân Công ty TNHH Molex Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long) chia sẻ: “Khi đã lập gia đình, đặc biệt là có con nhỏ, chúng tôi rất muốn về sớm để chăm sóc gia đình. Nếu luật cho phép tăng số giờ làm thêm thì doanh nghiệp sẽ có cơ sở để yêu cầu công nhân làm thêm nhiều hơn, như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống công nhân, nhất là công nhân nữ…”.

Tại hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, vấn đề nới rộng khung giờ làm thêm đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức Đồng Thị Nga, quy định về giờ làm thêm như trong luật hiện hành chưa phù hợp với thực tế. Trong một số ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến thủy sản..., công việc phụ thuộc vào đơn hàng. Khi có đơn hàng gấp thì doanh nghiệp buộc phải huy động làm thêm giờ để bảo đảm tiến độ giao hàng. Vì vậy, phương án phù hợp là làm thêm không quá 200 giờ/năm. Trong trường hợp do yêu cầu sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận làm thêm thì không quá 400 giờ/năm. Quy định này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn và đáp ứng nhu cầu làm thêm, tăng thu nhập của người lao động.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho rằng: “Đúng là hiện nay nhiều công nhân mong muốn làm thêm để tăng thu nhập, nhưng chủ yếu vì đời sống của họ còn vất vả, thiếu thốn. Đa số công nhân là người ngoại tỉnh, phải thuê nhà trọ, chi phí nhiều. Nếu lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu thì nhiều công nhân không muốn làm thêm vì rất vất vả”.

Thực tế hiện nay cho thấy, không ít doanh nghiệp lách luật, trả lương thấp (cao hơn không đáng kể hoặc bằng mức lương tối thiểu vùng), không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu để công nhân phải tự nguyện làm thêm. Tuy nhiên, tăng ca nhiều, liên tục khiến sức khỏe công nhân bị suy giảm, từ đó sẽ làm năng suất lao động giảm và nguy cơ hàng hỏng, lỗi tăng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người lao động tuy không muốn nhưng không dám từ chối làm thêm vì sợ bị sa thải. Do vậy, bên cạnh việc nới rộng khung giờ làm thêm, cần quy định rõ từng ngành, nghề được phép áp dụng tối đa số giờ làm thêm ở mức 400 giờ/năm.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, rất cần quy định một số điều kiện cụ thể như: Có nhà trẻ chăm sóc con công nhân (trong thời gian làm thêm); mức lương trả cho thời gian làm thêm được tính theo phương pháp lũy tiến, càng làm thêm giờ nhiều thì càng được hưởng cao. Ví dụ, làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất bằng 150% lương; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 201 đến 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200% lương; làm thêm giờ vào ngày thường và từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250% lương… Điều này sẽ làm doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ giữa việc tăng giờ làm thêm hay cải thiện điều kiện làm việc để tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần giám sát chặt chẽ, nâng cao nhận thức về quyền lợi hợp pháp cho người lao động; triển khai các chương trình tập huấn về bảo vệ sức khỏe, vệ sinh an toàn lao động trong doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên tính lương lũy tiến theo giờ làm thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.