Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ đồng bộ, ưu tiên đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Minh Ngọc| 24/04/2019 16:36

(HNMO) - Ngày 24-4, Đoàn khảo sát liên ngành của trung ương tiến hành khảo sát kết quả hoạt động sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ và Chỉ thị số 37-CT/TƯ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đoàn khảo sát liên ngành của trung ương khảo sát kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn thành phố Hà Nội.


Đại diện thành phố Hà Nội đón tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cùng đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng.

Tạo nền tảng để hình thành chính quyền điện tử

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố Hà Nội đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo nền tảng cơ bản để hình thành chính quyền điện tử. Hà Nội đã thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ, sử dụng chung trên toàn thành phố; xây dựng thành phố thông minh bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật…

Hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển đến cấp cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu giải quyết công việc, đồng thời cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho công dân. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành được triển khai đồng bộ, trong đó có cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu dân.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai trên diện rộng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và hệ thống tầm soát ung thư sớm cho nhân dân; trang bị máy tính và lắp đường truyền cho 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế công lập. Với những kết quả đã được kiểm định, Hà Nội đứng tốp đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát ghi nhận, đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết 36; đồng thời đề nghị thành phố quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long, Hà Nội cần coi công nghệ thông tin là ngành kinh tế kỹ thuật, ưu tiên đầu tư công nghệ thông tin cho các khu công nghiệp, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao… Đó chính là nền tảng vững chắc để thành phố Hà Nội xây dựng chính quyền điện tử.

Chủ động đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao


Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, trong những năm vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Chỉ thị 37 theo hướng đồng bộ, linh hoạt, tôn trọng tính đặc thù.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, trên địa bàn thành phố hiện có 369 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 61 trường cao đẳng, 89 trường trung cấp và 74 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực, thành phố đã đầu tư cho 3 trường nghề chất lượng cao, hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đó là Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc. 

Các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn tay nghề cho đội ngũ giáo viên, thu hút chuyên gia, nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề… Những thành công bước đầu trong công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố Hà Nội từ 49,72% vào năm 2014 lên 63,18% vào năm 2018, cao nhất cả nước.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù đối với các nghề đặc thù, cơ sở đào tạo đặc thù. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm hướng nghiệp cho học sinh bắt đầu từ bậc trung học cơ sở; xây dựng, đề xuất chính sách đặc thù với đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học văn hóa song song với học nghề…

Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long mong muốn, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiến hành khảo sát, đánh giá, nghiên cứu về thị trường lao động trên nhiều góc độ, đưa ra dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực đến năm 2025 và những năm tiếp theo, từ đó đặt hàng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đánh giá về các nội dung làm việc, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, các cấp, các ngành chức năng thành phố luôn coi việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo tinh thần Nghị quyết 36 và đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo nội dung Chỉ thị 37 là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan chức năng sớm đưa ra cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, phục vụ cho quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ đồng bộ, ưu tiên đào tạo nhân lực có tay nghề cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.