Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vươn lên từ “đất thép” Củ Chi

Thanh Tàu| 30/04/2019 07:24

(HNM) - Mảnh

Trung tâm huyện Củ Chi hôm nay.Ảnh: Kiều Ngân


Những năm tháng hào hùng

Củ Chi là huyện ngoại thành, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 60km về phía Tây Bắc. Trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, Củ Chi là vùng tập kết lực lượng để thọc sâu vào hang ổ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn và được mệnh danh là “Đất thép thành đồng”. Nói về sự ác liệt của chiến tranh trên vùng đất này, thế hệ sau khó có thể hình dung hết.

Đặc biệt, từ năm 1965, khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào Việt Nam, cả một vùng rộng lớn từ Củ Chi xuống tận Hóc Môn được xem là “tọa độ hủy diệt” của địch... Đế quốc Mỹ đã ném xuống vùng đất này khoảng 240.000 tấn bom đạn (bình quân mỗi người dân “gánh” 1,5 tấn).

Nhớ lại những năm tháng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những ký ức một thời như sống lại trong ông Lê Đăng Đại (ngụ tại ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi). Ông Đại cho biết, đất Củ Chi chỗ nào cũng loang lổ hố bom, hàng chục nghìn ngôi nhà cháy sập, hàng vạn héc ta ruộng vườn bị cày xới. Thế nên, cả vùng này được gọi là “vùng trắng”...

Tiếp chúng tôi vào một buổi chiều cuối tháng tư, ông Ngô Thanh Cón (ngụ tại ấp Chợ, xã Trung An, huyện Củ Chi) cho biết, ngay từ khi mới 14 tuổi, tận mắt chứng kiến trận tập kích của địch khiến nhiều chiến sĩ Gò Môn hy sinh, ông đã hiểu được tinh thần bất khuất “thà chết chứ không để rơi vào tay giặc” của các chiến sĩ Gò Môn và cán bộ, nhân dân xã Trung An.

Khí chất con người Củ Chi tạo nên những kỳ tích anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ cây tầm vông được cắt gọt tinh xảo thành chông, mũi tên tẩm thuốc, súng, mìn tự tạo... đều gây ra nỗi kinh hoàng cho quân địch. Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, bộ đội, dân quân, du kích, cơ quan dân chính Đảng cùng với nhân dân Củ Chi ra sức thi đua đào địa đạo, chiến hào suốt ngày đêm, tích cực xây dựng “xã, ấp chiến đấu”, thiết lập “vành đai diệt Mỹ” thành thế trận vững chắc bao vây, tiến công tiêu hao, tiêu diệt kẻ thù...

Thay “màu áo” mới

Sau chiến tranh, Củ Chi không còn nơi nào lành lặn, nền kinh tế thuần nông lạc hậu, ruộng chỉ canh tác được một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất thấp (dưới 2 tấn/ha). Lực lượng lao động, trâu bò cày kéo, vật tư nông nghiệp khan hiếm nên đời sống người dân rất khó khăn. Thế nhưng, với tư duy và sự nhạy bén của chính quyền, nhân dân nơi đây, Củ Chi hôm nay đã là huyện đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 9-2015.

Bà Phạm Thị Lê Giang (ngụ tại ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng) cho biết, với ý chí, quyết tâm của mình, người dân “đất thép” đã biến vùng bom đạn, hoang tàn sau chiến tranh thành mảnh đất trù phú, bộ mặt nông thôn được đô thị hóa, đẩy lùi đói nghèo. “Giờ thì khác xưa rồi, nhà nào khó khăn nhất cũng là tường xây. Cuộc sống người dân đã thay đổi căn bản, khấm khá lên, trẻ em được học hành đến nơi đến chốn”, bà Giang phấn khởi cho hay.

Theo báo cáo của UBND huyện Củ Chi, mức tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2008-2018 của huyện là 21,44% năm. Đến nay, 7.627ha trồng lúa năng suất thấp đã được chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện có 133 hộ nông dân sản xuất rau theo quy trình VietGAP với tổng diện tích trên 169ha, 107 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 590ha... Điển hình là Tổ hợp tác xã sản xuất rau VietGAP ở ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Phượng.

Ông Nguyễn Văn Cu, Tổ trưởng Tổ hợp tác xã sản xuất rau VietGAP cho biết, thành lập năm 2013, hoạt động của tổ ban đầu gặp nhiều khó khăn. Nhưng được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông thành phố, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Củ Chi, đến nay, 28/28 tổ viên đều có giấy chứng nhận VietGAP sản xuất rau ăn quả với diện tích 57ha. Doanh thu sản xuất bình quân mỗi héc ta của tổ là 620 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 390 triệu đồng.

Hay cựu chiến binh Đỗ Văn Thuần (ngụ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), tuy là thương binh hạng 1/4 nhưng ông vẫn mạnh dạn mở doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Đến nay, doanh nghiệp của ông đã đầu tư 4 máy quay cống bê tông hiện đại, bảo đảm việc làm ổn định cho trên 30 công nhân, với mức lương bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Còn ông Huỳnh Đoàn Thông (ngụ tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi), được mệnh danh là “vua hạt giống” cho hay, hằng năm ông đã thu lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng nhờ sản xuất thành công hàng chục loại hạt giống có năng suất chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường như: Dưa leo, mướp đắng, cà tím, đậu bắp…

Cũng quyết tâm làm giàu bằng nông nghiệp, gia đình chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (ngụ ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây) lại chọn phát triển kinh tế bằng mô hình trồng hoa lan. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về vốn và kỹ thuật, chị Huyền mạnh dạn chuyển đổi 5ha đất trồng cây cao su để thành lập trang trại trồng hoa lan với 140.000 gốc. Vườn lan của gia đình chị phát triển tốt, cho thu nhập bình quân 5 tỷ đồng/năm.

Ông Lê Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính trị của huyện tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Củ Chi thành huyện văn hóa nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình; đồng thời phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt là xây dựng các khu nông nghiệp dân cư nhà vườn sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng kết nối với chuỗi tham quan du lịch những địa danh lịch sử, làng nghề truyền thống; phấn đấu đến năm 2020, nâng thu nhập bình quân của người dân lên 60 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% tổng số hộ dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vươn lên từ “đất thép” Củ Chi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.