Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tọa đàm trực tuyến "Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát"

HNMO| 09/05/2019 12:37

(HNMO) - Nhân Tháng hành động vì An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019, 14h hôm nay (9-5), Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, tại trụ sở UBND quận Cầu Giấy.

16:42 09/05/2019

Phát biểu kết thúc tọa đàm trực tuyến “Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”, ông Lê Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, sau hơn 2 giờ đồng hồ, tọa đàm diễn ra sôi nổi, hàng chục ý kiến hỏi đáp và phát biểu từ lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã... đã giúp độc giả và các khách mời dự tọa đàm có được bức tranh khá tổng thể về vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm tại Việt Nam nói chung cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, nhất là mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát.


Ông Lê Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới phát biểu kết thúc tọa đàm.


Qua tọa đàm này, một lần nữa cho thấy, an toàn, vệ sinh thực phẩm là vấn đề đã nóng, đang nóng và sẽ luôn nóng. Mặc dù thời gian qua đã có những tiến bộ nhất định, song công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức do nhịp độ phát triển kinh tế nhanh, quy mô sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn là nhỏ lẻ; nguồn lực và đầu tư kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; công tác quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập...

Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới hy vọng, sau buổi tọa đàm này, bạn đọc sẽ có được những thông tin hữu ích, những kiến thức quan trọng về lĩnh vực an toàn thực phẩm và mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm này còn có sự tham gia của hơn 10 cơ quan báo chí của trung ương và Hà Nội sẽ góp phần cùng Báo Hànộimới đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng, an toàn, góp phần nâng cao sức khỏe người tiêu dùng.

Mặt khác, buổi tọa đàm còn muốn chuyển thông điệp kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức đoàn thể, xã hội cùng chung tay góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Cùng với đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương và tăng năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm.

“Hy vọng rằng, trong tương lai, mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố”, ông Lê Hoàng Anh nói.

16:40 09/05/2019

 Độc giả Vũ Xuân Hiếu (Trường THCS Nam Từ Liêm) hỏi lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội: "Qua một năm triển khai tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, người dân được hưởng lợi rất nhiều. Vậy, xin Sở Y tế cho biết, đến khi nào mô hình này sẽ được nhân rộng ra toàn thành phố?".

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội thông tin, việc mở rộng xây dựng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát nằm trong kế hoạch được báo cáo UBND thành phố.

Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai từ 30 tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn cấp quận, theo Ban Chỉ đạo Trung ương và thành phố, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tham mưu xây dựng mô hình tập trung vào cơ sở dịch vụ ăn uống tại tuyến phố, đặc biệt ở khu vục nội thành để có sự triển khai đồng bộ, nâng cao công tác bảo đảm ATTP cũng như thông tin truyền truyền.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội chỉ đạo 2 đơn vị xây dựng điểm nhưng chỉ có 1 đơn vị xây dựng thành công tại Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Năm 2018, thành phố xây dựng thêm 8 tuyến phố tại các quận, huyện.

Tháng 1-2019, Sở Y tế Hà Nội kết hợp với Sở Y tế 21 tỉnh, thành phố cùng chuyên gia của Bộ Y tế tổ chức đánh giá 8 tuyến phố này. Qua rà soát, đánh giá cho thấy để triển khai được các tuyến phố cần sự vào cuộc của các lực lượng: Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có điều kiện và đặc biệt là sự chung tay của các cấp chính quyền.

Thông qua tọa đàm, thay mặt Sở Y tế, ông Trần Văn Chung gửi lời cảm ơn tới các độc giả đã gửi câu hỏi, thể hiện sự quan tâm đến mô hình mới này.

16:30 09/05/2019

Triển khai đồng bộ các biện pháp về VSATTP

Độc giả Trần Hiếu (quận Ba Đình) hỏi: Qua hơn một năm triển khai tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, các địa phương đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức mô hình này. Đề nghị quận Ba Đình cho biết, cần thay đổi, cải tiến những gì để việc tổ chức tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới?


Đại diện quận Ba Đình trả lời độc giả.


Đại diện quận Ba Đình cho biết, vấn đề ATTP luôn được quận quan tâm. Qua một năm triển khai, quận Ba Đình nhận thấy công tác bảo đảm ATTP đối với thức ăn đường phố vẫn gặp nhiều khó khăn, cần có sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng.

Để việc tổ chức tuyến phố ATTP có kiểm soát tốt hơn nữa trong thời gian tới, quận Ba Đình kiến nghị: Trước hết, công tác chuẩn bị, rà soát cần được thực hiện kỹ lưỡng, cần cân nhắc kỹ để chọn đúng tuyến phố phù hợp, cơ sở vật chất phải bảo đảm khang trang. Sau đó, phải xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu rõ ràng, có dự trù kinh phí cụ thể cho từng đơn vị. Để có thể triển khai đồng bộ cần có sự đồng thuận của người dân và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo phường. Bên cạnh đó, cần trang bị kiến thức chuyên môn cho cán bộ cơ sở, bộ phận tham mưu. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về VSATTP… Công tác kiểm tra VSATTP được thực hiện cả định kỳ và đột xuất để phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

16:27 09/05/2019

Việc nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát trên phường Dịch Vọng Hậu hiện nay còn gặp những khó khăn nào? UBND phường có kiến nghị, đề xuất gì?

Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu trả lời:

Việc nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát cần xác định là còn nhiều gian nan vì chỉ cần chủ quan, lơ là thì việc vi phạm rất dễ xảy ra. “Chúng tôi quán triệt các chủ cơ sở rằng, những cơ sở đã được công nhận là cơ sở ATTP có kiểm soát không có nghĩa là không bị kiểm tra, giám sát. Nếu những cơ sở này vẫn vi phạm thì sẽ bị xử phạt, thậm chí là phạt nặng”, bà Trần Thị Thu Hương cho biết.

Theo bà Thu Hương, việc tiếp tục duy trì và nhân rộng còn gặp khó khăn nữa, đó lực lượng cán bộ thực hiện kiểm tra vệ sinh ATTP rất mỏng. Bà Thu Hương đề nghị cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương; hỗ trợ cơ hạ tầng cho các cơ sở; tạo điều kiện để địa phương tiếp cận được những văn bản mới như văn bản xử lý vi phạm hành chính trong vi phạm ATTP; hỗ trợ thêm nhân lực…

16:19 09/05/2019

Bạn Nguyễn Thùy Dương ở ngõ 189 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình gửi câu hỏi đến buổi tọa đàm: “Mùa hè nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu. Cơ quan chức năng có những biện pháp gì để tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng thực phẩm ở các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát trên?”.

Đại diện Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội:
  Những biện pháp đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách bảo quản thực phẩm đúng quy định tới các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… và người tiêu dùng; giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm, xử lý vi phạm, đặc biệt nêu rõ các cơ sở chấp hành tốt và chưa tốt các quy định điều kiện ATTP, có các nội dung khen chê rõ ràng; thực hiện tốt công tác xét nghiệm nhanh trong quá trình kiểm tra giám sát ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố để phát hiện thực phẩm kém chất lượng gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

16:17 09/05/2019

Quận Hai Bà Trưng đặt mục tiêu hoàn thành đề án chuỗi cơ sở thức ăn đường phố tại 20 tuyến phố

“Mặc dù chưa được triển khai mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, nhưng trên địa bàn quận có nhiều tuyến phố có thể triển khai; đề nghị lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho biết công tác quản lý thức ăn đường phố của địa phương hiện nay ra sao? Trong thời gian tới, quận có sẵn sàng thực hiện tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát không?” - một độc giả hỏi.


Bà Ngô Lan Hương, Phó Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng.


Bà Ngô Lan Hương, Phó Trưởng phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, dù chưa được thành phố chọn để tổ chức tuyến phố ATTP có kiểm soát, song trong các năm 2016-2018, quận đã chủ động xây dựng triển khai mô hình điểm tuyến phố ATTP tại 2 phường Lê Đại Hành và Bùi Thị Xuân.

Đến nay, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 2 phường này cũng như các bếp ăn tập thể trên địa bàn đều được quản lý, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP và bản cam kết bảo đảm ATTP.

Tại những cuộc thi tìm hiểu về vệ sinh ATTP do quận tổ chức, nhiều người trực tiếp chế biến thực phẩm đã nhiệt tình tham gia, coi đó là sân chơi bổ ích để nâng cao kiến thức cho mình. Công tác bảo đảm vệ sinh ATTP không chỉ có cơ sở quản lý tham gia mà toàn dân, toàn xã hội chung tay mới thiết thực, hiệu quả.

Trong hai năm 2019-2020, quận đặt mục tiêu hoàn thành đề án chuỗi cơ sở thức ăn đường phố tại 20 tuyến phố trên địa bàn.

16:08 09/05/2019

Nhân rộng thí điểm thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát

Bạn đọc Nguyễn Thanh Vân (nguyenvan@gmail.com) hỏi: “Nằm cách xa trung tâm thành phố, thị xã Sơn Tây đón nhận như thế nào về việc được lựa chọn thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát trong năm 2019? Liệu việc thực hiện này có gì khó khăn, vướng mắc gì so với các địa phương khác?"

Đại diện thị xã Sơn Tây cho biết, trong năm 2019, được thành phố lựa chọn nhân rộng thí điểm thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát, thị xã Sơn Tây đã quyết định lựa chọn tuyến phố Phú Hà, phường Phú Thịnh để triển khai thực hiện.


Đại diện thị xã Sơn Tây.


Tại thời điểm điều tra ban đầu, trên tuyến phố Phú Hà có 40 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, song chủ yếu nhỏ lẻ, nhiều cơ sở thuê địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, việc cải tạo còn khó khăn. Hơn nữa, các cơ sở thường xuyên biến động nên việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như việc hướng dẫn thực hiện các điều kiện bảo đảm ATTP, kiểm soát của các cơ quan quản lý còn khó khăn.

Trong thời gian tới, UBND thị xã Sơn Tây tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung theo kế hoạch đã đề ra; tăng cường công tác truyền thông về ATTP tại thị xã và phường Phú Thịnh; yêu cầu các cơ sở đặc biệt quan tâm, chú trọng đến nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tư vấn về điều kiện ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên tuyến phố Phú Hà...

16:07 09/05/2019

Vui mừng trước tin có thêm tuyến phố của quận được lựa chọn để thực hiện tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát năm 2019, bạn Đinh Thanh Hiền, ngõ 165, quận Cầu Giấy đặt câu hỏi: Cho đến nay, chính quyền quận Cầu Giấy đã làm gì để triển khai mô hình này ở phố Trần Vỹ. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện ra sao?

Bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy trả lời:

Năm 2019, tuyến phố Trần Vỹ của phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy được thành phố chọn để thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát. Tuyến phố Trần Vỹ dài khoảng 800m, phục vụ khách hàng chủ yếu vào buổi trưa và buổi tối (khoảng 2000 luợt/ngày), có tổng số 37 cơ sở, trong đó có 14 cơ sở dịch vụ ăn uống, 4 nhà hàng, 19 quán cà phê.


Bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy trả lời độc giả.


Hiện nay, việc thực hiện tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là, ở các hộ kinh doanh, nhân lực thường xuyên thay đổi nên khó kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sức khoẻ cho đối tượng này; chất lượng thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thường chưa bảo đảm, thường lấy nguyên liệu ở những điểm nhỏ lẻ…

Trước khó khăn đó, phường Mai Dịch thực hiện các giải pháp: Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai tới các tổ dân phố, các hộ kinh doanh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ thực hiện tốt ATTP; huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ dân phố; triển khai họp các hộ kinh doanh để các hộ nắm được chủ trương, từ đó tiến hành khám sức khỏe và tập huấn kiến thức về ATTP cho chủ cũng như nhân viên của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên tuyến phố…

Lãnh đạo phường Mai Dịch cũng đề xuất quận, thành phố cung cấp những địa chỉ, cơ sở uy tín về nguồn cung cấp thực phẩm an toàn để thông tin cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

16:01 09/05/2019

Độc giả Nguyễn Thị Hoa (quận Đống Đa) hỏi: Là một trong 6 địa phương được lựa chọn thực hiện tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát trong năm 2019, quận Đống Đa đã chuẩn bị cho công việc này như thế nào?

Đại diện quận UBND quận Đống Đa: Sau khi tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) được lựa chọn là tuyến phố ATTP có kiểm soát, quận đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại tuyến phố trên; đồng thời tuyên truyền đến các cơ sở khác về bảo đảm an toàn vệ sinh ATTP có kiểm soát.

Ngoài tuyên truyền cho các chủ cơ sở, quận cũng tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nhân viên, những người làm việc trực tiếp tại các cơ sở và người dân khu vực xung quanh tuyến phố để họ biết được lợi ích khi triển khai tuyến phố ATTP có kiểm soát. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu cơ sở công khai giấy chứng nhận, cung cấp sổ sách theo dõi tại cơ sở để kiểm tra...

15:54 09/05/2019

“Trong các đơn vị được thành phố lựa chọn triển khai tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát năm 2018, Đan Phượng là đơn vị cấp huyện duy nhất. Vậy, chính quyền địa phương đã triển khai công việc này như thế nào? Người dân đón nhận mô hình này ra sao? Và liệu có thế nhân rộng được tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát trên địa bàn huyện?” - độc giả hỏi.

Ông Nguyễn Hữu Luận, Phó Trưởng phòng Y tế  huyện Đan Phượng cho biết, huyện vinh dự được thành phố chọn để xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát.


Ông Nguyễn Hữu Luận, Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng.


Tại Đan Phượng không có nhiều lựa chọn khi thị trấn Phùng chỉ có 4 phố, các cơ sở ăn uống không nhiều, chủ yếu nhỏ lẻ. Ban Chỉ đạo ATTP huyện chọn tuyến phố Tây Sơn để thực hiện bởi bảo đảm tiêu chí có 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Việc triển khai tại huyện cũng gặp vướng mắc giống các quận, huyện khác, như nhiều cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, địa điểm kinh doanh đi thuê.

Để nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát, khó khăn của Đan Phượng hiện nay là chỉ có duy nhất tuyến phố Tây Sơn đáp ứng tiêu chí của thành phố là có 20 cơ sở kinh doanh ăn uống. Tại những tuyến phố khác, huyện đang tổ chức tập huấn, treo biển tuyên truyền, vận động nhân dân kiểm soát ATTP.

Cũng theo ông Luận, cần tăng cường thanh, kiểm tra và xử phạt mới có tác dụng duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP tại các cơ sở kinh doanh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm trực tuyến "Nhân rộng mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.