Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các vụ án kinh tế, tham nhũng: Khó khăn thu hồi tài sản

Hà Phong| 11/05/2019 07:04

(HNM) - Tính từ tháng 10-2018 đến tháng 4-2019, hệ thống cơ quan thi hành án dân sự toàn quốc thi hành xong về tiền chỉ đạt hơn 18.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 16,6%). Tính chất phức tạp của việc thi hành án ngày càng tăng, nhất là khó khăn thu hồi tài sản trong các vụ án...


Tính chất phức tạp ngày càng tăng

Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, mặc dù tính chất phức tạp của việc thi hành án ngày càng tăng, nhất là số việc thi hành các khoản thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, nhưng 6 tháng qua, các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong hơn 243.000 việc tương ứng với hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 việc tương ứng hơn 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Một buổi giao ban của Tổng cục Thi hành án dân sự.


Trong bức tranh chung đó, kết quả thi hành xong về tiền của tỉnh Đồng Nai - một trong 5 địa phương có số lượng án phải thi hành nhiều nhất cả nước rất ấn tượng, đạt 64,3%. Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong điều kiện số tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, 6 tháng qua, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các chi cục cấp huyện đã giải quyết xong đạt tỷ lệ 74% về việc và 11,4% về tiền, cao hơn năm trước 2% về việc và 0,4% về tiền.

Một số địa phương đạt thấp như: Hải Phòng đạt 3,87%, Hà Nội đạt 8,39%, Bình Dương đạt 10%... do có lượng án phải thi hành lớn, có những vụ phải thi hành lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Song phần lớn tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc tẩu tán. Điển hình, vụ Vinashin nghĩa vụ còn phải thi hành án là hơn 1.100 tỷ đồng, trong khi tài sản còn lại chỉ là 2 bất động sản có giá trị thấp; vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tổng nghĩa vụ phải thi hành án là hơn 13.000 tỷ đồng giai đoạn 1 và hơn 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2, trong khi ước tính giá trị tài sản kê biên chỉ được khoảng trên 500 tỷ đồng.

Đặc biệt, có vụ người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam không có tài sản để thi hành án (vụ Phạm Thị Bích Lương, vụ Huỳnh Thị Huyền Như); tài sản kê biên có tình trạng pháp lý không rõ ràng, chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình xử lý (vụ Phạm Công Danh)…

Bên cạnh đó, dù các tổ chức tín dụng đã chặt chẽ hơn trong giai đoạn thẩm định cho vay, nhưng các vụ việc cũ và một số vụ việc mới vẫn tiếp tục gặp khó khăn do tài sản bảo đảm không đúng với giá trị thẩm định, giá trị hợp đồng thế chấp quá cao so với giá trị thực tế tài sản. Thậm chí, có trường hợp nhận thế chấp trên giấy tờ, đến giai đoạn thi hành án thì tài sản không còn hoặc hết giá trị sử dụng...

Phối hợp chặt chẽ của nhiều phía

Kết quả thi hành án thấp một phần vì quy định pháp lý chưa thực sự chặt chẽ và có cả nguyên nhân lãnh đạo một số đơn vị chưa quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; công tác phối hợp nhiều điểm chưa đạt yêu cầu, nhất là trong cưỡng chế thi hành án. Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng qua, đại diện thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, các giải pháp tổ chức thi hành án, trong đó chú trọng những vụ án lớn, phức tạp. Đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân từng chấp hành viên, trách nhiệm của chi cục trưởng, trưởng phòng và lãnh đạo cục về kết quả đôn đốc, tổ chức thi hành án.

Với tinh thần chủ động, sát sao trong quản lý, đề cao kỷ luật, kỷ cương, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại các khâu của tiến trình tố tụng như điều tra, truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thi hành án dân sự đề nghị, Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm cưỡng chế thi hành án hiệu quả, kịp thời; kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý chây ỳ, không chấp hành án. Bộ Tư pháp cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát chính sách tín dụng, nghiêm túc thực hiện các quyết định về phong tỏa, khấu trừ tiền trong tài khoản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các vụ án kinh tế, tham nhũng: Khó khăn thu hồi tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.