Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động hòa giải ở cơ sở: Giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh

Hà Phong| 21/05/2019 07:34

(HNM) - Hơn 5 năm kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hòa giải thành công hằng năm tăng, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp.


Đến nay, Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên, trong đó, số hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật là 3.117 người (chiếm khoảng 8%). Theo số liệu công bố cuối tháng 4-2019, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực (ngày 1-1-2014), tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố qua các năm tăng dần, đặc biệt năm 2018 đạt 86,3%.

Đáng chú ý, với 5 tiêu chí: Phát hiện vụ việc tốt; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tốt; tổ chức hòa giải tốt (hòa giải thành từ 80% số vụ việc trở lên); bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; định kỳ giao ban, báo cáo, sơ kết, tổng kết tốt; đến nay, Hà Nội đã có 2.591/5.444 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (chiếm tỷ lệ 47,6%). Nhiều đơn vị duy trì và tích cực nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” như các quận: Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng...

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên), Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh Bùi Quang Cự cho rằng, con người là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định hiệu quả của công tác hòa giải. Tại phường Thượng Thanh, mỗi tổ dân phố có một tổ hòa giải, hiện nay phường có 28 tổ hòa giải. Việc kiện toàn hòa giải viên và tổ trưởng tổ hòa giải được thực hiện định kỳ vào tháng 6 và tháng 12 hằng năm. UBND phường phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam phường tiến hành rà soát, đánh giá hoạt động của các tổ hòa giải, hòa giải viên; lựa chọn người có uy tín, trách nhiệm, nhiệt tình, được nhân dân tín nhiệm để giới thiệu tại hội nghị nhân dân bầu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Quá trình hòa giải luôn lấy tình trước, sau mới đến lý, vận dụng các quy định của pháp luật nên đã hóa giải được nhiều mâu thuẫn trong nhân dân.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, thành phần tổ hòa giải ở cơ sở gồm trưởng ban công tác mặt trận, trưởng thôn, trưởng các ngành, đoàn thể thôn, người có uy tín trong nhân dân. Trong đội ngũ hòa giải viên có 49 người có trình độ chuyên môn luật, một số hòa giải viên có trình độ chuyên môn khác như nông nghiệp, kinh tế, sư phạm… đều rất tâm huyết, trách nhiệm, khéo léo kiên trì thuyết phục, vận động người dân, hóa giải các tranh chấp, mâu thuẫn về đất đai, hôn nhân gia đình... Theo Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đan Phượng Nguyễn Khắc Thủy, hoạt động hòa giải ở cơ sở thực sự đã là cầu nối đoàn kết, gắn tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư. Hơn 5 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, trên địa bàn huyện phát sinh 705 vụ việc, hòa giải thành 599 vụ việc, đạt tỷ lệ 85%, góp phần hạn chế đơn thư khiếu kiện trong nhân dân, tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan nhà nước và công dân.

Dù vậy, theo Sở Tư pháp Hà Nội, qua hơn 5 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở cũng đã xuất hiện một số bất cập. Điển hình là luật chưa quy định về giá trị pháp lý của kết quả hòa giải nên có những trường hợp sau khi hòa giải, các bên không thực hiện những nội dung đã cam kết, dẫn đến chính quyền gặp khó khăn trong việc giải quyết. Chưa kể, tại Hà Nội, có những địa phương mời được người tham gia tổ hòa giải đã khó, mà bắt buộc trong tổ phải có hòa giải viên nữ còn khó khăn hơn. Mức thù lao cho người làm công tác hòa giải còn thấp, chỉ được khoảng 200 nghìn đồng/vụ hòa giải thành. Có những vụ việc hòa giải viên đi lại nhiều lần nhưng không được hỗ trợ vì không hòa giải thành. Đây là những tồn tại hạn chế, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động hòa giải ở cơ sở: Giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.