Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm pháp luật đê điều: Ngăn phát sinh, giảm tồn đọng

Kim Nhuệ| 05/06/2019 07:58

(HNM) - Mặc dù các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã hạn chế gia tăng số vụ vi phạm pháp luật đê điều, song bên cạnh đó còn không ít vụ tồn đọng chưa xử lý triệt để.

Lực lượng chức năng thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) giải tỏa công trình vi phạm trên đê tả Đáy.


Tồn đọng 1.489 vụ vi phạm

Khảo sát tại các tuyến đê trên địa bàn thành phố, không khó để phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật đê điều. Dọc tuyến đê tả Đáy, đoạn chạy qua thị trấn Vân Đình và các xã: Viên An, Hòa Nam, Hòa Phú… (huyện Ứng Hòa), nhiều vị trí mặt đê, hành lang bảo vệ đê đã bị người dân lấn chiếm làm điểm tập kết vật liệu xây dựng, xây dựng công trình. Tương tự, trên tuyến đê tả Cà Lồ, hữu Cầu, đoạn thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, nhiều nhà cao tầng đang được xây dựng và đã hoàn thiện trên hành lang bảo vệ đê…

Giải tỏa một trường hợp vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ đê điều.


Không chỉ xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê, quan sát dọc các tuyến đê: Hữu Đà, hữu Hồng, Vân Cốc, tả Hồng, hữu Đuống, tả Đuống... có hơn 200 bãi tập kết vật liệu xây dựng, trong đó có hơn 100 bãi có xe quá tải thường xuyên hoạt động và đi trên mặt đê.

Ngoài lấn chiếm làm bến bãi tập kết cát, sỏi, nhiều bãi sông, hành lang thoát lũ đã bị người dân đổ đất, xây dựng công trình. Cụ thể, trên sông Hồng, tại địa bàn xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) xuất hiện nhiều nhà xưởng nằm trong hành lang thoát lũ; tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) xuất hiện nhiều công trình nhà ở… Trên sông Cà Lồ, đoạn thuộc địa bàn xã Xuân Nộn và Thụy Lâm (huyện Đông Anh) và xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) xuất hiện nhiều công trình xây dựng lấn chiếm lòng sông…

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh 61 vụ vi phạm pháp luật đê điều, giảm 51 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Các quận, huyện, thị xã đã xử lý được 15 vụ, tồn đọng 46 vụ. Ngoài tiếp tục để phát sinh vi phạm, có địa phương chưa chú trọng xử lý các vụ vi phạm từ những năm trước. Thống kê từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã còn tồn đọng 1.489 vụ vi phạm pháp luật đê điều.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, do không có chức năng xử lý nên khi phát hiện, các Hạt Quản lý đê đều lập biên bản, chuyển hồ sơ đề nghị các địa phương xử lý. Tuy nhiên, do địa phương chưa quyết liệt xử lý nên vi phạm vẫn tồn tại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng chủ yếu là công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân không cao. Một số xã, phường, thị trấn chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cấp do ngại va chạm, né tránh, thiếu kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm…

Bên cạnh đó, các địa phương chưa thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra vi phạm đê điều, kiểm tra việc cấp phép các công trình, dự án dẫn đến chỉ đạo xử lý vi phạm chưa hiệu quả…

Xây dựng kế hoạch giải tỏa

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, Sở đã yêu cầu Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, lập biên bản, kịp thời kiến nghị ngăn chặn, xử lý các vi phạm; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân có các hoạt động khai thác cát, tập kết vật liệu xây dựng tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ; thành lập các tổ công tác liên ngành phối hợp tuần tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm…

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn có đê phối hợp chặt chẽ với các Hạt quản lý đê xây dựng kế hoạch giải tỏa các vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là những vi phạm mới phát sinh; kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ vi phạm vào thân đê, kè, cống; tổ chức cưỡng chế các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là các vụ vi phạm mới phát sinh, nghiêm trọng gây mất an toàn đê, kè, cống, hành lang thoát lũ; khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trái phép trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ…

Nghiêm túc thực hiện yêu cầu trên, hiện nay, các quận, huyện, thị xã đang tập trung tuyên truyền Luật Đê điều tới các xã, phường, thị trấn có đê; đồng thời, vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trong hành lang bảo vệ đê. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch cưỡng chế để phá bỏ các vật thể vi phạm, trả lại đúng hiện trạng của hành lang bảo vệ đê điều và các công trình phụ trợ…

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, từ nay đến ngày 20-6, huyện sẽ tập trung giải tỏa tất cả công trình lấn chiếm đất công, đất không hợp pháp trong phạm vi bảo vệ đê điều phát sinh từ sau ngày 11-6-2018 đến nay. Đối với các vi phạm từ trước ngày 11-6-2018 trở về trước còn tồn tại, huyện sẽ tiếp tục phân loại và kiên quyết xử lý trong năm 2019. Để công tác xử lý đạt hiệu quả cao, huyện đã xây dựng quy trình giải tỏa và tiến độ thực hiện cụ thể.

Cách làm như thế này cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt ở tất cả địa bàn có vi phạm về đê điều, đáp ứng yêu cầu thành phố đặt ra.

Để bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa lũ năm 2019, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm, triệt để các vụ việc vi phạm còn tồn tại trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vụ việc vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố nếu để xảy ra vi phạm mới mà không kịp thời xử lý.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm pháp luật đê điều: Ngăn phát sinh, giảm tồn đọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.