Theo dõi Báo Hànộimới trên

Con tin của smartphone

Hoàng Lê| 21/06/2019 09:00

(HNMCT) - Chuyện nhiều người chụp ảnh nude rồi đưa ảnh lên Facebook được nhắc tới nhiều trong những ngày vừa qua, gợi cho chúng ta những điều tương tự xảy ra trước đó. Những bức ảnh chụp người đẹp khỏa thân, bán khỏa thân ở hồ Tuyền Lâm (thành phố Đà Lạt) hay khu du lịch Tuyệt Tình Cốc thuộc huyện Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng từng lần lượt được đưa lên mạng xã hội vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019.

Ảnh minh họa


Tháng 4 năm nay, những người dự đám tang nghệ sĩ trẻ Anh Vũ, khá nổi tiếng, đã không ngại selfie - nôm na là tự chụp ảnh cho mình - để ghi lại hình ảnh bản thân với sự hiện diện của nhiều nghệ sĩ có tiếng cũng tới dự tang lễ được tổ chức vào ngày hôm đó... Điều đáng nói là đa số những tấm ảnh thuộc dạng này đều được chụp bằng điện thoại thông minh, được chủ nhân đưa lên mạng xã hội gần như ngay lập tức nhờ tiện ích mà loại điện thoại smartphone mang lại cho người dùng.

Tối chủ nhật tuần qua, nhân nói về câu chuyện “tự sướng” trên mạng xã hội vốn đã trở thành trào lưu thu hút số đông, một người hàng xóm nói với người viết rằng: “Đó là một cách bắt chước chẳng hay ho gì. Smartphone đã biến nhiều người thành trò hề mà chả ai hay”. Một nhận xét mang tính đúc kết, nhưng liệu có đúng hay không? Công nghệ, dù cho ra thành quả ưu việt đến mấy thì liệu có đủ khả năng chỉ dẫn hành vi tệ hại nếu người sử dụng ý thức được đâu là điểm cần dừng lại?

Mấy năm gần đây, cùng với sự xuất hiện của cây gậy “tự sướng”, nhiều người quen với việc chụp selfie. Hệ lụy từ những tấm ảnh “tự sướng” xuất hiện ngay lập tức, “gạch đá” tuôn rào rào trên mạng khi nhiều người thản nhiên selfie ngay cả khi trên đầu quấn băng tang hay đang đứng trước một đám cháy gây chết chóc...

Đến đây, câu hỏi tiếp theo là: Tại sao, những bức ảnh tự chụp đã xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi con người sáng tạo ra máy chụp ảnh lấy ngay, mà bây giờ phong trào selfie mới đình đám đến thế? Công nghệ, ở đây là những chiếc smartphone, liệu có dính dáng gì? Hay thói quen sống ảo, tâm lý thích chơi trội và sự xuất hiện của mạng xã hội đã làm nảy sinh cách ứng xử kỳ quặc trước đám đông?

Công nghệ đem lại tiện ích cho con người, thảm họa xảy ra hay không phụ thuộc vào cách mà người ta ứng dụng. Những bức ảnh “nhí nhố” có thể hủy hoại danh tiếng của nhân vật và người chụp chứ không giết chết họ. Nhưng với “tín đồ” selfie tôn thờ điện thoại thông minh thì khác. Một số người đã tử vong khi “tự sướng” trước vòi voi, bên khẩu súng đã lên đạn; đã tìm cách tự tử chỉ vì hành trình mòn mỏi tìm kiếm tấm ảnh tự chụp hoàn hảo không đem lại kết quả hay số lượng “lai” (like) kém ấn tượng.

Những chiếc điện thoại thông minh có sức cám dỗ vô cùng lớn bởi nó không chỉ cho phép người dùng ứng dụng thành tựu công nghệ vào việc chụp ảnh. Giờ đây, gắn với chiếc điện thoại là tài khoản Facebook, là những YouTube, Instagram, Twitter, Reddit... với số người dùng thường xuyên dao động từ khoảng 250.000 đến hơn 2 tỷ người - tính trên phạm vi toàn cầu.

Những kênh giao tiếp này giúp cho con người từ mọi nơi trên trái đất có thể liên hệ với nhau, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Trên không gian mạng rộng lớn đó nảy sinh xu hướng tự khẳng định mình trước số đông mà sự hơn kém nhau nhiều khi được quyết định bởi một bức ảnh hay một đoạn clip “độc, dị”.

Những clip ghi lại cảnh đám đông xăm trổ dàn hàng trên cao tốc, cảnh con người giết thịt động vật quý hiếm hay những hành vi kỳ quặc khác có lẽ là hệ quả của tâm lý muốn “nổi bần bật” đó. Mặt khác, tuy đem lại cơ hội kết nối giữa các thành viên cộng đồng mạng xã hội với nhau nhưng smartphone lại là tác nhân khiến mối quan hệ gia đình có thể trở nên lỏng lẻo.

Đó là khi bố, mẹ, con cái cắm đầu vào điện thoại với thú vui “lên mạng” hàng giờ liên tục, bỏ lại phía sau nhu cầu chia sẻ niềm vui và nỗi lo. Đó là khi bạn bè, đồng nghiệp gặp gỡ mà không ai nói với ai, tất cả như lạc vào thế giới ảo với chiếc điện thoại đời mới trên tay...

Smartphone đem tới cho con người nhiều tiện ích, chúng chỉ có hại khi được người sử dụng dùng vào việc xấu. Bởi vậy, đừng tự biến mình thành con tin của những chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội, tiêu tốn thời giờ và tiền bạc vào những điều rất gần với nghĩa vô bổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con tin của smartphone

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.