Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 22/06/2019 08:08

(HNM) - Để phát huy những ưu điểm của mạng xã hội, nhiều ý kiến trả lời phỏng vấn của Báo Hànộimới đều cho rằng, mỗi tổ chức, cá nhân cần nâng cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.

Hành vi sử dụng mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.


Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Nam, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội:
Xử lý nghiêm người đưa thông tin xuyên tạc lên mạng xã hội

Mạng xã hội là phương tiện hữu ích để chuyển tải thông tin của các cá nhân, tổ chức. Nó không chỉ giúp mỗi chúng ta liên kết thông tin nhanh nhất, thỏa mãn nhu cầu về tinh thần, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của đời sống xã hội, bài trừ tệ nạn, đấu tranh phòng, chống tiêu cực...

Tuy nhiên, trên thực tế, mạng xã hội đang bị một số cá nhân, tổ chức lạm dụng vào những mục đích xấu, trong đó có những phần tử phản động lợi dụng để đưa thông tin thất thiệt, xuyên tạc nhằm gây bất ổn xã hội... Nếu không quản lý tốt thì chính những ưu điểm của mạng xã hội sẽ bị kẻ xấu lợi dụng và trở thành nhược điểm.

Nhằm phát huy hơn nữa lợi thế của mạng xã hội, Nhà nước sớm nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể về đối tượng sử dụng mạng xã hội, nội dung được đăng tải; cần có chế tài mạnh để xử lý nghiêm khắc, truy tố hình sự đối với người đưa thông tin lên mạng có nội dung bịa đặt, vu khống hoặc sử dụng các nguồn thông tin không chính thức, chưa được kiểm chứng gây bất ổn dư luận.

Ông Vũ Hoàng Tâm, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hà Đông:
Tuyên truyền thông tin tích cực, hướng đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống

Mạng xã hội có nhiều ưu điểm vượt trội so với các kênh truyền thông khác, đã và đang phát huy hiệu quả việc trong giám sát của người dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức... Trong đó, rất nhiều việc tốt, người tốt, những tấm gương điển hình được đăng tải trên mạng xã hội, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Được biết, năm 2018, Trung ương Đoàn đã phát động cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên mạng xã hội.

Với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", thông qua cuộc vận động, Trung ương Đoàn mong muốn tuyên truyền thật nhiều tin tốt, câu chuyện đẹp, tạo ra xu hướng tích cực về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Theo đó, đã có nhiều việc làm tốt, câu chuyện đẹp được lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực trên mạng xã hội để đoàn viên, thanh, thiếu niên cả nước học tập, noi theo, góp phần cạnh tranh và lấn át những thông tin xấu, độc hại. Hy vọng thời gian tới, mạng xã hội sẽ có nhiều thông tin tốt được đăng tải, chia sẻ; mỗi người dân khi dùng mạng xã hội cần có trách nhiệm với mỗi hoạt động của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Các em học sinh bày tỏ quan điểm khi sử dụng mạng xã hội tại hội thảo về chủ đề này.Ảnh: Minh Châu


Nhà báo Lý Hà, Thời báo Kinh tế Việt Nam:
Mỗi nhà báo phải là một sứ giả truyền tin

Ngày nay, mạng xã hội trở thành một kênh thông tin vô cùng quan trọng. Trong một số trường hợp, mạng xã hội mang tính định hướng dư luận rất cao, tác động tích cực đến xã hội. Chẳng hạn, trong cuộc thi từ đầu tháng 3-2019, trào lưu "thử thách để thay đổi" được kêu gọi trên mạng xã hội chưa đầy 1 tuần nhưng sức lan tỏa đã tăng chóng mặt.

Từ người dân đến các lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên đều hưởng ứng phong trào, xắn tay dọn rác, lan tỏa lối sống xanh tích cực trong cộng đồng. Hoặc từ lời kêu gọi trên mạng xã hội, hơn 200 tình nguyện viên của Câu lạc bộ Keep Hanoi Clean tiến hành thu gom rác thải ven sông Hồng…

Có thể nói, từ việc tìm hiểu thông tin để viết bài, chụp ảnh, nhiều nhà báo đã tích cực tham gia hưởng ứng trào lưu của cộng đồng. Với vai trò báo chí, ngoài nhiệm vụ đưa đến cho bạn đọc những thông tin chính xác, mỗi nhà báo cần phải là 1 người truyền tin, một sứ giả cho tờ báo của mình. Bởi dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ đạo, chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Bà Nguyễn Kim Hiền, đảng viên phường Đội Cấn, quận Ba Đình:
Cần kiểm soát chặt chẽ thông tin giả trên mạng xã hội

Theo nghiên cứu, có tới 47% người dùng mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thông tin vu khống, bịa đặt “núp bóng” dưới chiêu trò mạng xã hội. Đây là sự nguy hiểm, cần được kiểm soát vì một bộ phận người dùng chưa có ý thức trong thẩm định thông tin trên mạng xã hội nhưng đã vội vàng chia sẻ.

Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo mới đây của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, trong bài viết về "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam".

Bài viết cho thấy, trước những thách thức hiện hữu và nguy cơ tiềm ẩn đòi hỏi phải tư duy lại về mô hình và cách thức quản trị không gian mạng. Vì thế, các quốc gia đang ráo riết thiết lập những hàng rào bảo vệ bằng việc đưa ra những biện pháp cứng rắn.

Theo tôi, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ thông tin giả đang lan truyền trên mạng xã hội, có biện pháp tìm ra tên, tuổi người tung tin giả, xử phạt nghiêm để đủ sức răn đe. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với các biện pháp quyết liệt, mạnh tay ngay từ các nhà cung cấp dịch vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.