Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo cơ hội việc làm bền vững cho lao động nữ di cư

Hà Hiền| 23/06/2019 08:28

(HNM) - Đa số lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành thị còn thiếu kỹ năng làm việc, ít có cơ hội học nghề, khó tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ xã hội…

Một số phụ nữ di cư sinh sống bằng nghề bán hàng rong. Ảnh: Thái Hiền


Cuộc sống còn nhiều khó khăn

Hằng ngày, chị Phạm Thị Nết (32 tuổi), quê ở xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) dùng chiếc xe đạp cũ đi khắp các ngõ, ngách trên địa bàn quận Đống Đa, Thanh Xuân… thu gom phế liệu để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới trong căn phòng trọ rộng khoảng 15m2 tại ngõ 267, đường Phùng Khoang, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), chị Nết cho biết: “Gia đình tôi đông con, lại thiếu đất canh tác, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2016, tôi lên Hà Nội tìm việc làm. Trong 3 năm ở thành phố, tôi đã thử làm nhiều việc, nhưng không thành công, vì công việc nào cũng đòi hỏi người lao động phải có kiến thức, tay nghề. Để có tiền nuôi con, tôi cùng bạn bè đi thu gom phế liệu”. Cùng dãy nhà trọ với chị Nết còn có 12 lao động đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội. Mỗi người một công việc, một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chung mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định.

Ngoài phường Trung Văn, trên địa bàn Hà Nội có nhiều địa phương tập trung đông lao động nữ di cư như phường Phúc Xá (quận Ba Đình), phường Thịnh Liệt, Định Công (quận Hoàng Mai), xã Kim Chung, Hải Bối (huyện Đông Anh)… Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, gần 90% người lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện đến từ các địa phương khác, trong đó lao động nữ chiếm đa số. Còn theo kết quả nghiên cứu tổng quan về lao động di cư trên địa bàn thành phố do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thực hiện, trung bình mỗi năm Hà Nội có khoảng 50.000-60.000 lao động nữ di cư, chiếm hơn 60% tổng số lao động di cư trên địa bàn. Họ thường làm những công việc giản đơn trong ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ…, thu nhập bấp bênh.

Không riêng Hà Nội, lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành thị, từ địa phương này sang địa phương khác diễn ra khá phổ biến. “Các nghiên cứu về di cư ở Việt Nam chỉ rõ, hiện nay có hơn 10% dân số nước ta di cư, đa số là nữ, ở độ tuổi lao động. Đáng lưu ý, hơn 30% lao động nữ di cư gặp khó khăn về việc làm, hơn 40% gặp khó khăn về nhà ở và hơn 90% lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, chưa tham gia bảo hiểm xã hội”, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trăn trở.

Thêm giải pháp hỗ trợ

Để lực lượng lao động di cư đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngoài những giải pháp vĩ mô đã, đang triển khai, bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia của cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, các cơ quan chức năng nên tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động đến đối tượng lao động di cư ở cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Tương tự, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho rằng, các ngành, địa phương cần chủ động hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động nữ di cư bằng cách tổ chức đào tạo, đào tạo bổ sung trình độ chuyên môn, tay nghề cho họ.

Các phiên giao dịch việc làm là kênh thông tin để phụ nữ di cư tìm kiếm cơ hội học nghề và việc làm. Ảnh: Bá Hoạt


Trên thực tế, việc hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động đặc thù này luôn được thành phố Hà Nội khuyến khích triển khai. Theo đó, Tổ chức Plan International Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Đông Anh thực hiện dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư” từ tháng 11-2016 đến tháng 6-2019.

Bà Lê Quỳnh Lan, quản lý vùng dự án Hà Nội của Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết, thông qua dự án này, hơn 2.000 nữ thanh niên di cư ở huyện Đông Anh đã được cung cấp thông tin, tư vấn về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập, trong đó có khoảng 800 người được đào tạo kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Hiện nay, đa số phụ nữ di cư học nghề đã được các doanh nghiệp nhận vào làm việc hoặc tự tạo ra việc làm ổn định.

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội còn thành lập Câu lạc bộ Phụ nữ nhập cư, tạo môi trường sinh hoạt phù hợp cho họ. “Tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ này, chúng tôi vừa được giao lưu với những người đồng cảnh, vừa được nói lên mong muốn, nguyện vọng của bản thân, qua đó nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời cả về vật chất, tinh thần”, chị Nguyễn Thị Quế, hội viên Câu lạc bộ Phụ nữ nhập cư phường Định Công bày tỏ.

Để người lao động có cơ hội tìm được việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội còn thường xuyên mở phiên giao dịch việc làm tại các trung tâm dịch vụ việc làm và sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Nhờ đó, nhiều lao động di cư tìm được việc làm phù hợp. Từ kinh nghiệm thực tế, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương nắm bắt đầy đủ, cập nhật kịp thời số lượng, cơ cấu lao động di cư, từ đó xây dựng chính sách quản lý phù hợp, hiệu quả. Điều quan trọng, các địa phương cần tạo cơ hội việc làm cho lao động nữ di cư ngay tại nơi họ nhập cư và hỗ trợ họ hòa nhập với cuộc sống của người dân sở tại về mọi mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ hội việc làm bền vững cho lao động nữ di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.