Theo dõi Báo Hànộimới trên

UBND TP Hà Nội tháo gỡ vướng mắc tại dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

Nhóm PV| 05/07/2019 18:01

(HNMO) - Ngày 5-7, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 2819/UBND-GPMB chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất tại các dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Chỉ đạo tháo gỡ của thành phố là nhằm để giải quyết dứt điểm nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng các hộ dân tiếp tục tổ chức chặn xe vận chuyển rác, đồng thời sớm hoàn thành công tác di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, bảo đảm ổn định đời sống cho các hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất. 

Theo đó, đối với chính sách bồi thường, hỗ trợ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở, ngoài việc được bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định, cho phép UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đồng/m2 (trên cơ sở vận dụng tương đương với mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ - huyện Sóc Sơn hoặc như khi chuyển mục đích sử dụng từ đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở sang làm đất ở). Tổng diện tích hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 129, Luật Đất đai năm 2013.

Nhân dân thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Đối với các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ 400m2 trở lên, UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Khi tiến hành chi trả tiền, thực hiện trả ngay cho các hộ đối với phần diện tích đất ở trong hạn mức và chính sách bồi thường, hỗ trợ như nêu trên. Phần diện tích đất vượt hạn mức, giao Thanh tra thành phố chủ trì cùng UBND huyện Sóc Sơn tiến hành thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, quy trình cấp giấy chứng nhận trước đây. Nếu việc cấp giấy chứng nhận đã thực hiện theo đúng quy định, thì tiến hành chi trả nốt; nếu việc cấp giấy chứng nhận không đúng quy định thì phải xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành. Việc thanh tra, rà soát phải hoàn thành trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc.

Đối với giá thu tiền sử dụng đất tại các khu tái định cư, tại vị trí khu tái định cư phục vụ bố trí cho các hộ trên địa bàn xã Nam Sơn, trong cuộc họp sáng 5-7-2019, liên ngành của thành phố (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Sóc Sơn) đã thống nhất xác định giá thu tiền sử dụng đất tái định cư theo vị trí 4 đường 35 là 2.700.000 đồng/m2. UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND huyện Sóc Sơn hoàn thiện lại tờ trình, trình UBND thành phố phê duyệt giá theo đúng quy định, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và quyền lợi của các hộ dân.

Đối với khu tái định cư phục vụ bố trí cho các hộ thuộc xã Hồng Kỳ, trường hợp các hộ dân không đồng tình với vị trí quy hoạch khu tái định cư, UBND thành phố cho phép UBND huyện Sóc Sơn sử dụng khu tái định cư thôn Thanh Hà (xã Nam Sơn) để bổ sung quỹ tái định cư bố trí cho các hộ phải di chuyển chỗ ở. Nếu các hộ dân vẫn có nhu cầu tái định cư trên địa bàn xã, UBND huyện Sóc Sơn phải chủ trì cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố chấp thuận để bố trí tái định cư cho các hộ.

Trường hợp các hộ có nhu cầu nhận tiền để tự lo tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt mức hỗ trợ 1.957.508 đồng/m2 (như chính sách đã được UBND thành phố chấp thuận). Đối với các trường hợp đông nhân khẩu, nhiều cặp vợ chồng đang cùng ăn ở, sinh sống trên cùng một thửa đất bị thu hồi nhưng chưa làm thủ tục tách hộ theo quy định của pháp luật, thực tế đã ăn ở riêng, trên đất có khuôn viên xây dựng công trình nhà ở riêng, UBND thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho từng hộ gia đình; trên cơ sở hạn mức công nhận đất ở của từng hộ để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014, của Chính phủ.     

UBND thành phố cũng yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án; tổ chức tuyên truyền, vận động, thông tin cụ thể đến các hộ dân về kế hoạch phê duyệt phương án bồi thường, kế hoạch chi trả tiền trong thời gian tới để các hộ dân biết và chấp hành, không tiếp tục có các hành vị trái phép chặn xe vận chuyển rác. 

Trường hợp đã tuyên truyền, vận động nhưng vẫn cố tình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn phải có các biện pháp hành chính để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Công an thành phố để thống nhất phương án và lực lượng hỗ trợ bảo vệ, bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện.

* Trước đó (sáng sớm 5-7), để ghi nhận những băn khoăn, kiến nghị, bức xúc của các hộ dân liên quan đến Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cùng đoàn công tác đã đến địa điểm một số người dân căng lều bạt, rào chắn để ngăn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã vận động người dân tháo dỡ vật cản, không chặn xe rác, đồng thời cam kết phối hợp cùng các sở, ngành đề nghị UBND thành phố sớm giải quyết những kiến nghị của nhân dân.

Những ngày qua, hành vi ngăn chặn, cản trở xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn của một số người dân đã khiến cho nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố bị ùn ứ lượng lớn rác thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. 

Sở Xây dựng đã phải điều chỉnh việc phân luồng vận chuyển rác tạm thời. Cụ thể, rác tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa được chuyển đến tập kết tạm thời tại các điểm trung chuyển Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) và Lâm Du (quận Long Biên). Các quận: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Cầu Giấy, rác thải được phân luồng về Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Rác tại quận Long Biên được chuyển về Khu xử lý rác Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm)…

* Tối 5-7, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (đơn vị quản lý, điều hành Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn) cho biết, hồi 19h20 cùng ngày, người dân đã tháo dỡ vật cản và xe ô tô chở rác đã tiến hành vận chuyển rác vào khu xử lý. Dự báo sau khi thông bãi, lượng rác này có thể tăng gấp đôi so với ngày thường, nên đơn vị đã sẵn sàng phương án tiếp nhận, xử lý 8.000-10.000 tấn/ngày một cách an toàn, hiệu quả nhất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBND TP Hà Nội tháo gỡ vướng mắc tại dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.