Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xứng đáng là Thành phố Vì hòa bình

Bảo Hân| 11/07/2019 17:07

(HNMO) - Ngày 16-7-1999, tại La Paz, thủ đô của Bolivia, Thủ đô Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) trao giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình”. Tròn 20 năm đón nhận danh hiệu này, thành phố đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, xứng đáng với danh hiệu được trao. Thành tựu đó là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô cho những nỗ lực, sáng tạo không ngừng trong quá trình hội nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và thế giới.

Bài 1: Ổn định để phát triển và gìn giữ nền hòa bình bền vững

Tròn 20 năm, là thủ đô duy nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội tự hào bởi những nỗ lực, cố gắng không ngừng để khẳng định là một thành phố yên bình, ổn định và phát triển. Đó cũng là nền tảng vững chắc để thành phố phát triển bền vững, cân bằng, hài hòa suốt hai thập kỷ qua.

"Bệ phóng" cho sự phát triển toàn diện

“An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô được giữ vững” - hai mệnh đề ngắn gọn luôn được nhắc tới đầu tiên khi Hà Nội đánh giá những kết quả đạt được về trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng. Đó vừa là thành quả song cũng là mục tiêu then chốt, giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của Thủ đô.

Còn nhớ, giữa tháng 7-1999, đưa tin tại kỳ họp thứ mười ba, HĐND thành phố khóa XI, phóng viên Báo Hànộimới Nguyễn Đức Thà khá tâm trạng khi đặt bút viết về hạn chế rõ nét nhất trong sự phát triển của Hà Nội 6 tháng đầu năm 1999. Đó là “tốc độ tăng trưởng bị chậm lại. Các chỉ tiêu kinh tế đạt thấp hơn so với kế hoạch”. Hơn ai hết, vị phóng viên nội chính kỳ cựu ấy cảm nhận rõ ràng về cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực năm 1997 đã làm chậm tiến trình đổi mới kinh tế nước ta, dẫn đến tình trạng suy thoái trong hai năm 1999-2000. Nhưng với sự chủ động, sáng tạo, vượt lên trên rất nhiều những khó khăn, thách thức, sau 20 năm, các thế hệ phóng viên kế cận của ông đã liên tục được đưa tin về những con số tăng trưởng kinh tế - xã hội đầy phấn khởi, ấn tượng của thành phố.

Thời điểm hiện tại, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhất là đối với một chặng đường dài. Song, nếu đặt 2 con số tại cùng một thời điểm thì dễ hình dung được thế nào là tăng trưởng “vượt bậc”: 6 tháng đầu năm 1999 (kể cả số thu năm trước chuyển sang), tổng thu ngân sách của Hà Nội ước thực hiện đạt 5.254 tỷ đồng; 20 năm sau, con số này đã vọt lên mức 133.854 tỷ đồng.

Cùng đạt vị trí đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng con số thu hút trong 6 tháng đầu năm 1999 được công bố tại kỳ họp HĐND giữa năm 1999 là 240 triệu USD; 6 tháng đầu năm 2019, con số này được báo cáo ở kỳ họp giữa năm là 5,03 tỷ USD. Mức tăng gấp hơn 20 lần đủ để thấy sức hấp dẫn, tính năng động vượt trội của thành phố sau hai thập niên hội nhập cùng thế giới.

Nhờ sự ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội phát triển, thành phố Hà Nội có nhiều điều kiện hơn để chăm lo an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Nguồn lực từ phát triển kinh tế đã được đầu tư ngược trở lại để phục vụ cho sự phát triển văn hóa, giáo dục, y tế... và đặc biệt là chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô. Đầu năm 2019, số hộ nghèo chỉ còn chiếm 1,16% tổng số hộ dân toàn thành phố. Trong Nghị quyết (quy định về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ chín, HĐND TP Hà Nội khóa XV, Hà Nội sẽ chi thêm hơn 124 tỷ đồng/năm hỗ trợ các hộ không có khả năng thoát nghèo - thêm những chính sách để hiện thực hóa chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đặc biệt, Hà Nội dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, coi đó là một trọng điểm ưu tiên trong chính sách phát triển, đáp ứng các tiêu chí cốt yếu của “Thành phố Vì hòa bình”. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm học 2008-2009, toàn thành phố có 2.411 học sinh bỏ học, trong đó nguyên nhân chủ yếu do học sinh học lực yếu kém, có tâm trạng chán nản hay hoàn cảnh khó khăn. Hà Nội 10 năm sau, trong mọi báo cáo thống kê, con số học sinh bỏ học dường như không còn tồn tại.

Thành phố chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, tạo môi trường học tập thân thiện, an toàn.

Từ năm 2013, tất cả các quận, huyện, thị xã của thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hà Nội là một trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, về đích trước 1 năm so với kế hoạch của thành phố, trước 2 năm so với toàn quốc. Thành phố cũng là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000. Đến nay, Hà Nội cơ bản hoàn thành mục tiêu về chất lượng kết quả phổ cập giáo dục đặt ra đến cuối năm 2020 là tất cả quận, huyện, thị xã đạt chuẩn mức độ III.

Bên cạnh phát triển giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn của Hà Nội cũng đạt kết quả xuất sắc. Học sinh Thủ đô liên tục khẳng định tài năng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Kết quả của sự đầu tư đúng hướng là thành phố nhiều năm “bội thu” những tấm huy chương, những giải thưởng danh giá ở cả các kỳ thi, cuộc thi trong nước và quốc tế.

Cải thiện cảnh quan môi trường, trồng thêm hàng triệu cây xanh là sự đầu tư vững bền nhất của thành phố cho tương lai.

Hà Nội sau 20 năm, dân số từ 2,5 triệu người nay đã tăng hơn 3 lần. Sự gia tăng dân số cùng với quá trình đô thị hóa đang gây những sức ép và biến động lên cơ sở hạ tầng của thành phố. Tuy nhiên, những tín hiệu vui vẫn liên tục tạo hy vọng cho người dân thành phố về một cuộc sống chất lượng hơn. Mục tiêu trồng một triệu cây xanh đã vượt kế hoạch trước hai năm và thêm 600.000 cây xanh nữa sẽ tỏa bóng khắp thành phố trong một năm tới; hàng chục công trình hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại như hệ thống đường vành đai, đường sắt đô thị đang hiện hữu; các giải pháp hiện đại từ các nước trên thế giới được đem về áp dụng để xử lý ô nhiễm nguồn nước, rác thải; tỷ lệ cấp nước sạch đô thị đạt 100%, nước sạch nông thôn đạt 57%; hoặc “thời sự” nhất là thành phố đang “tuyên chiến” với túi nilon và rác thải nhựa dùng một lần, tiến tới không sử dụng túi nilon trong sinh hoạt từ nay đến năm 2025…

Được quan tâm, chăm lo phát triển cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, các công dân của thành phố không chỉ là đối tượng hưởng thụ, mà chính họ, bằng tình yêu, sự gắn bó và trách nhiệm với thành phố, mỗi người cũng đang có những đóng góp theo cách riêng của mình.

Chung tay góp sức

Ca trực sớm của Đội Cảnh sát trật tự hồ Hoàn Kiếm luôn bắt đầu từ 5h sáng hằng ngày. Người phụ trách an ninh trật tự khu vực là Trung tá Dương Bảo Thạch, trước khi vào ca anh thường tản bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm nắm tình hình. Đi trong mỗi sớm mai yên lành, Trung tá Thạch luôn cảm thấy phấn chấn, vui vẻ khi nhận được những nụ cười tin yêu, những lời thăm hỏi, chia sẻ những câu chuyện hằng ngày của người dân.

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm nhớ như in ngày mới về nhận nhiệm vụ tại quận trung tâm của Thủ đô. Anh đã kiên quyết đưa ra yêu cầu với các cán bộ, chiến sĩ của mình là phải làm sao cho các tuyến phố cổ luôn thông thoáng, sạch sẽ; văn minh, trật tự đô thị được nâng tầm cao hơn so với mục tiêu đề ra.

Hà Nội vinh dự đại diện cho cả nước thực thi sứ mệnh hòa bình, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam từ những không gian văn hóa như hồ Hoàn Kiếm.

“Cả nước nhìn về Thủ đô. Trung tâm của Thủ đô là hồ Hoàn Kiếm. Không gian nhỏ bé ấy thôi nhưng chứa đựng, hiện hữu tất cả những gì bình yên, ổn định, những giá trị tiêu biểu cho thành phố ngàn năm văn hiến. Phải làm sao để bạn bè, du khách khi đến với Thủ đô, đến với hồ Hoàn Kiếm cảm nhận rõ về sự thanh bình hiện hữu trong mỗi bước dạo chân” - Thượng tá Bùi Văn Đang lý giải.

Mệnh lệnh từ người đứng đầu đặt ra trọng trách khó khăn, xuyên suốt cho tập thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Song có lẽ, sự khó khăn của nhiệm vụ lớn bao nhiêu thì những thành quả đạt được lại đem về niềm tự hào lớn bấy nhiêu. Đó cũng là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng luôn đặt lên vai những người chiến sĩ công an Thủ đô.

Cách xa trung tâm Thủ đô, về thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì những ngày này mới thấy ý nghĩa của việc toàn dân đoàn kết chung tay phát triển kinh tế và thực hiện nếp sống mới. Vươn lên xây dựng nông thôn mới, người dân Tả Thanh Oai đã bỏ lại sau lưng những gian nan về kinh tế một thời. Làng quê giờ khang trang, giàu đẹp và đang trong tiến trình lên phường, lên quận, nhưng truyền thống, tính cộng đồng vẫn luôn được gắn kết chặt chẽ. 

Tính gắn kết trong cộng đồng được kết nối, duy trì từ sự nêu gương của những thế hệ đi trước.

Những người cựu chiến binh, đảng viên như ông Nguyễn Sỹ Kỳ, ông Nguyễn Tiến Việt, bà Vương Thị Nho... là một phần “chất keo” của sự gắn kết ấy. Mỗi sáng thứ bảy, họ vác cuốc đi dọn vệ sinh, thu gom rác ven sông Nhuệ, làm nên những con đường hoa đẹp... Tối về, họ lại tranh thủ đi vận động người dân ủng hộ các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới như xây dựng đường làng, ngõ xóm, duy trì nền nếp sinh hoạt bắt nhịp với nếp sống văn minh, hiện đại.

“Người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, không né tránh thì mới vận động được người dân”, ông Nguyễn Tiến Việt tâm niệm. Hay như với bà Vương Thị Nho, thì trách nhiệm của mỗi người, không chỉ là với gia đình, con cái, mà còn với cả tập thể, xóm giềng, luôn đặt “danh dự lên hàng đầu, nói được - làm được”. Những đảng viên như họ luôn được dân tin yêu, đồng thuận và ủng hộ trong các hoạt động.

“Từ việc nhỏ mà người dân thấy được tâm huyết của mình thì các nghị quyết, phong trào lớn hơn đều có thể dựa vào dân mà thành”, ông Việt đúc kết thêm.

Từ "Thành phố Vì hòa bình", Hà Nội - Việt Nam đang là đối tác cho một nền hòa bình bền vững.

Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm đời sống yên bình cho người dân được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp thành phố. Hà Nội cũng đang nỗ lực xây dựng bộ máy và hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - những “công bộc” của dân - kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện; luôn mở lòng lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng và giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc từ cuộc sống. Nhờ đó, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền ngày càng được củng cố, tạo động lực để thành phố phát triển bền vững.

Và thực tiễn 20 năm qua cho thấy, sự ổn định, yên bình là thành quả to lớn mà chúng ta đã đạt được, góp phần đưa Hà Nội - Việt Nam trở thành đối tác cho một nền hòa bình bền vững; đồng thời tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội để mãi lan tỏa hình ảnh về một “Thành phố Vì hòa bình” đang tiến lên văn minh, hiện đại và sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xứng đáng là Thành phố Vì hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.