Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn “cơn lốc” shisha, “bóng cười”

Mai Hữu - Xuân Lộc| 17/07/2019 06:24

LTS: Trước những nguy hại đối với sức khỏe con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, thành phố Hà Nội đã và đang đề xuất cơ chế để nỗ lực đẩy lùi hiểm họa “bóng cười”, shisha - những chất kích thích thế hệ mới - khỏi đời sống xã hội.

Bài đầu: Dễ như… mua rau!

Chỉ với vài chục nghìn đồng, các thanh niên dễ dàng thỏa mãn cơn nghiện “bóng cười”, shisha trong quán cà phê, bar, karaoke và ngay tại nhà riêng. Việc mua những mặt hàng chất kích thích này dễ "như… mua rau” đối với ai có nhu cầu.

Sử dụng “bóng cười” tại một quán bar trên địa bàn quận Đống Đa.

Sử dụng tràn lan

Đêm đến, nếu nhìn từ bên ngoài phố Hàng Bài vào chắc hẳn không ai nghĩ chỉ qua một bức tường, phía trong quán bar FIFTY Lounge (số 50 phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) lại là một thế giới khác, thu hút rất đông thanh niên và cả người nước ngoài. Chỉ cần ngồi vào bàn, nhân viên ở đây giới thiệu luôn cho khách về việc sử dụng shisha, “combo bigball” (gói sử dụng “bóng cười” - bóng bay được bơm khí N2O, người dùng chỉ việc thả đầu quả bóng vào miệng hoặc mũi để hít nhằm gây ảo giác kích thích).

Cụ thể, “combo 10 bigball” sẽ có giá 549.000 đồng, tính ra giá mỗi quả “bóng cười” chỉ vào khoảng 55.000 đồng và mua càng nhiều, giá càng rẻ. Thậm chí, quán còn khuyến mãi bơm thêm khí N2O cho một số khách nhất định. Quan sát cho thấy, hầu hết người vào đây đều sử dụng “bóng cười” kèm rượu. Phan Duy (20 tuổi) ra vẻ hiểu biết giới thiệu với chúng tôi: “Quán này chạy quảng cáo “bigball” trên mạng internet, chắc được cấp phép rồi nên cứ vô tư mà sử dụng. Còn với shisha, người dùng dễ mua như mua thuốc lá”.

Tại quán bar Halo Lounge (số 452 phố Xã Đàn, quận Đống Đa), “bóng cười” được gọi bằng cái tên khác là “Big Babol”. Thú chơi ở quán này cũng khác khi người sử dụng phải mua gói thấp nhất là “combo 399k” (399.000 đồng) với 4 “Big Babol”, 2 đồ uống và 1 đĩa hoa quả. Một nhân viên ở quán cho chúng tôi biết, một “Big Babol” ở đây chỉ có giá khoảng 40.000 đồng và khẳng định “rẻ nhất Hà Nội”. Đồng thời, quán bar này cũng mở cửa từ đêm đến sáng để phục vụ các “thượng đế”.

Trao đổi với Phạm Chính Chung (18 tuổi), khách tại quán bar Halo Lounge về việc có biết thông tin cấm sử dụng “bóng cười”, shisha hay không, thanh niên này cho rằng đây không phải là chất ma túy, vì thế không nên cấm hoàn toàn. “Em nghĩ chỉ nên giới hạn phạm vi hay số lượng sử dụng thì sẽ hay hơn là cấm hẳn” - Phạm Chính Chung nói.

Trên đây là hai trong số nhiều địa điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội có bán “bóng cười”, shisha mà phóng viên Báo Hànộimới đã tiếp cận. Trên thực tế, việc mua bán hai loại chất kích thích trên dường như diễn ra công khai, thậm chí ngay ở những quán vỉa hè khu vực phố cổ về đêm, nếu khách có nhu cầu sẽ được phục vụ tại chỗ. Ngoài ra, “bóng cười”, shisha có thể mua được dễ dàng thông qua các trang mạng xã hội.

Thời gian gần đây, việc sử dụng “bóng cười”, shisha đã gây ra không ít vụ việc nghiêm trọng trên địa bàn Hà Nội. Đáng chú ý là vụ việc 7 người tử vong khi tham gia lễ hội âm nhạc “Du hành tới mặt trăng” ở Công viên nước Hồ Tây ngày 16-9-2018, qua xét nghiệm đều dương tính với ma túy. Sau vụ việc, cơ quan công an đã thu giữ tại đây 187 bình khí N2O, 3.450 quả bóng bay chưa qua sử dụng và 656 quả “bóng cười” đã qua sử dụng. Gần đây nhất, vào ngày 10-3-2019, Mills Ben (sinh năm 1984, quốc tịch Australia) đã tử vong tại quán cà phê Smile 2 (số 23, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Qua điều tra, cơ quan công an xác định anh này đã sử dụng “bóng cười” trước đó.

Hậu quả lâu dài

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, “bóng cười” có chứa khí N2O khi sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tổn thương tủy sống, gây thiếu máu, giảm khả năng sinh sản. Dù chỉ sử dụng một lần nhưng nếu liều lượng quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong. Thời gian qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện do sử dụng “bóng cười”, shisha... Thậm chí, có thời điểm gần như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc cấp tính do sử dụng các chất kích thích nêu trên. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là người đang ở độ tuổi đi học và lao động, trong đó có cả học sinh. Do bị tác động tim mạch, có người tử vong nhanh chóng, thậm chí chết trước khi tới được bệnh viện.

Hàng trăm bình khí N2O bị cơ quan chức năng Hà Nội thu giữ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, mặc dù "bóng cười" rất nguy hiểm, nhưng nhiều người chủ quan cho rằng, sử dụng “bóng cười” sẽ không bị nghiện. Trên thực tế, các bệnh nhân bị ngộ độc N2O đều cho biết, ban đầu họ sử dụng “bóng cười” cho vui, nhưng sau một thời gian dùng đều phải tăng liều mới cảm thấy vui, thấy “phê”. Do khí công nghiệp N2O được mua bán tự do và số người sử dụng “bóng cười” gia tăng nên tình trạng ngộ độc N2O cũng tăng theo.

Không chỉ “bóng cười”, shisha cũng mang đến những mối nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, người hút shisha có tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng, ung thư phổi cao gấp 5 lần so với những người không sử dụng. Hơn nữa, ông Nguyễn Tuấn Lâm cũng cho biết, trên thị trường hiện nay, shisha thường được trộn thêm nhiều tạp chất khác để tăng mùi vị hấp dẫn cũng như giảm giá thành nên càng gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Ngoài ra, việc sử dụng shisha có chứa ma túy sẽ dẫn đến tình trạng nghiện từ nhẹ tới nặng, gây ảo giác liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh và não bộ, tương tự như tác hại của hiện tượng “phê” ma túy. Đồng thời, nếu lạm dụng shisha sẽ rất dễ dẫn đến sử dụng các loại ma túy mới như: “Lá khát”, “tem giấy”, “cỏ Mỹ”…, khiến người trẻ trở nên “già sớm”, không khác gì các cụ già với các bệnh như đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy tim, tăng huyết áp hay giảm sút trí nhớ.

Qua thực tế tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, “bóng cười”, shisha vẫn được một bộ phận giới trẻ sử dụng tràn lan mặc dù biết tác hại. Anh Hoàng Minh Thắng (23 tuổi, trú ở phường Phương Liệt, quận Đống Đa) cho biết, bản thân đã từng sử dụng “bóng cười”. Mặc dù biết những nguy hiểm lâu dài cho cơ thể, nhưng thời gian dài không sử dụng lại thấy nhớ những cảm xúc “thăng hoa” và lần sau lại hít “bóng cười” với liều lượng nhiều hơn lần trước.

Để quản lý một cách hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của địa phương, rất cần sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền trong việc điều chỉnh chế tài theo hướng đủ sức răn đe đối với các hành vi kinh doanh, sử dụng “bóng cười”, shisha, không nên dừng lại ở mức độ tuyên truyền, xử lý vi phạm hành chính như hiện nay.     
    (Còn nữa)

Thu giữ gần 26 nghìn quả “bóng cười” tại quận Hoàn Kiếm

Đêm 15, rạng sáng 16-7, lực lượng liên ngành của Công an thành phố Hà Nội và Cục Quản lý thị trường Hà Nội bất ngờ kiểm tra 20 quán bar khu vực phố Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm)…, đã phát hiện, thu giữ gần 26 nghìn quả “bóng cười”, 102 bình khí N2O các loại; hơn 1 nghìn hộp shisha cùng hàng trăm dụng cụ hút shisha.

Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành cũng phát hiện gần 2 nghìn chai rượu, bia ngoại, hơn 240 bao thuốc lá và xì gà do nước ngoài sản xuất. Tất cả hàng hóa trên đều không có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.    

Mai Hữu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn “cơn lốc” shisha, “bóng cười”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.