Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều quy định cần điều chỉnh

Minh Ngọc| 04/08/2019 06:36

(HNM) - Triển khai từ năm 2009 đến nay, bảo hiểm thất nghiệp thu hút gần 13 triệu người tham gia, tạo thành “giá đỡ” cho người lao động, nhất là trong thời gian họ bị mất việc làm. Để có thêm nhiều lao động được tiếp cận, thụ hưởng chính sách này, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định; đồng thời, đa dạng hóa hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp.

Tư vấn, giới thiệu việc làm và giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền

Chính sách đi vào đời sống

Anh Vũ Văn Đăng, ở thôn Vật Lại 2, xã Vật Lại (huyện Ba Vì), hiện đang làm việc tại Trung tâm Bảo dưỡng, sửa chữa xe máy YAMAHA, số 231C đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Anh Đăng chia sẻ: “Tháng 6-2018, sau khi mất việc làm, tôi đã tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để được hưởng các chế độ ưu đãi đối với người thất nghiệp. Tại đây, tôi và nhiều lao động khác được cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Nhận thấy nghề sửa chữa xe máy phù hợp với bản thân, tôi chọn nghề này và được học nghề miễn phí trong thời gian 4 tháng. Hiện tại, công việc mới mang lại cho tôi mức thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng, tương lai có thể đạt khoảng 8-10 triệu đồng/tháng”.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2009-2019, toàn thành phố đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 306.000 người. 100% số người thất nghiệp được cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, trong đó có gần 15.000 người được hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí. Nhận được sự trợ giúp về nhiều mặt, đại đa số lao động thất nghiệp ở Hà Nội đã có việc làm mới.

Trên phạm vi cả nước, các ngành, đơn vị, địa phương đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng triệu lượt người và dạy nghề miễn phí cho gần 200.000 lượt người; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho những người bị mất việc làm sớm quay trở lại thị trường lao động. Số lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng. Nếu như trong năm đầu tiên triển khai (2009), cả nước chỉ có gần 6 triệu người tham gia, thì đến nay, con số này đã tăng lên gần 13 triệu người, bằng 87,7% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

“Bảo hiểm thất nghiệp đã, đang đi vào đời sống, tạo thành giá đỡ cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, điều tiết thị trường lao động phát triển theo hướng hài hòa, ổn định, bền vững”, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định.

Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Dễ nhận thấy là một số quy định của hệ thống pháp luật hiện hành về bảo hiểm thất nghiệp chưa theo kịp sự phát triển đa dạng của thị trường lao động, chưa mở rộng đến nhóm đối tượng có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao nhất.

Hơn nữa, các giải pháp có tính chất giảm thiểu, phòng ngừa như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động đang làm việc để tự bản thân họ đủ khả năng duy trì việc làm bền vững chưa được triển khai trên diện rộng.

Đáng lưu ý, hình thức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp (từ 3 đến 6 tháng) với những nghề giản đơn như nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy… được áp dụng chung cho mọi lao động thất nghiệp là không phù hợp. Bởi lẽ, trên thực tế, lực lượng lao động thất nghiệp thuộc nhiều ngành, nghề, trình độ khác nhau, cho nên họ có nhu cầu học các nghề khác nhau.

Thêm những giải pháp hỗ trợ

Cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo thuận lợi cho người thất nghiệp trở lại thị trường lao động. Ảnh: Thái Hiền

Là đối tượng thụ hưởng chính sách, chị Trần Lệ Thủy, thôn Phương Nhị, xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì) mong muốn các cơ quan chức năng bổ sung ngành, nghề hỗ trợ đào tạo và kéo dài thời gian đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp.

Còn bà Phan Thị Thu, chủ nhà hàng Nhật Bản Fukurai, số nhà 12, ngõ 9, phố Đào Tấn (quận Ba Đình) đề nghị mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm phát huy tốt hơn nữa vai trò là “cầu nối” giữa lao động thất nghiệp và thị trường lao động.

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Bùi Thị An, Trưởng sàn Giao dịch việc làm huyện Đông Anh cho rằng, ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề, các cơ quan chức năng nên hỗ trợ đào tạo thêm về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho lao động thất nghiệp.

Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm theo hướng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp duy trì việc làm, bảo đảm các quyền lợi chính đáng. Đối tượng thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần mở rộng hơn.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách này, nhằm hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cũng đổi mới hoạt động của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; nâng cao chất lượng hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho những người bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm thất nghiệp: Nhiều quy định cần điều chỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.