Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phú Quốc, Đồng Nai vẫn ngập sâu trong lũ

Phương Nam - Tố Tâm| 10/08/2019 09:05

(HNMO) - Tiếp tục ứng phó với tình hình mưa lũ nghiêm trọng tại Phú Quốc, tối 9-8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai đã gửi công điện khẩn tới tỉnh Kiên Giang và các cơ quan truyền thông đại chúng.

Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu cảng Dương Đông giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: Đăng Bảy

Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo, tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, canh gác, hướng dẫn phân luồng bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua các nơi nguy hiểm, ngập sâu, bị chia cắt. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, thông tin kịp thời, đầy đủ đến chính quyền, người dân trên đảo để chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để tổ chức cứu trợ tại những nơi bị ngập lụt, chia cắt, không để người dân bị đói rét, dịch bệnh. Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, không để xảy ra dịch bệnh.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 2 đến 9-8, trên huyện đảo Phú Quốc đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa trên 1.100 mm (tính riêng từ 19h ngày 8-8 tới 13h ngày 9-8 đã đạt 335mm). Mưa lớn đã làm ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về nhà cửa và tài sản của nhân dân.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Phú Quốc, 4.418 căn nhà đã bị ngập, nhiều căn nhà bị tốc mái hoặc bị sập. Nhiều đoạn đường ở thị trấn Dương Đông và xã Cửa Dương bị ngập nặng, trong đó có đoạn ngập dài đến 4km, nước ngập sâu đến 1,5m. UBND huyện Phú Quốc đang duy trì lực lượng cứu hộ hơn 1.000 người "trắng đêm" giúp dân vùng lũ di dời đến nơi an toàn và bảo vệ tài sản cho người dân.

Tối qua, mưa lớn tiếp tục đổ xuống cùng với nước xả lũ từ các Thủy điện Đồng Nai 5 và Đắk Kar (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông), làm nước sông Đồng Nai dâng cao, gây ngập lụt tại các xã thuộc địa bàn 2 huyện Tân Phú và Định Quán của tỉnh Đồng Nai. 

Riêng xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú đang có 800 hộ dân bị cô lập trong lũ.

Dân quân xã Tà Lài, huyện Tân Phú giúp người dân sơ tán, tránh lũ.

Hai ngày qua, các lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã sơ tán được 655 hộ dân về nơi an toàn, trong tổng số 1.700 hộ dân ở vùng nguy hiểm của huyện Tân Phú, cần phải di dời. Hiện các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện đang huy động nhân lực, vật lực để nhanh chóng sơ tán người và tài sản của dân trong vùng lũ đến nơi an toàn.

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Tân Phú, tổng diện tích bị ngập lụt trên địa bàn huyện là khoảng 1,8 nghìn ha. Đợt ngập lụt khiến hàng trăm căn nhà bị ngập sâu hơn 1m, làm chết gần 120 nghìn con gà, 41 bè cá bị cuốn trôi. Đặc biệt, tại xã Phú Thịnh, đã có một người dân mất tích, hiện lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm.

Tại huyện Định Quán, có 4 xã bị thiệt hại do nước lũ dâng cao gồm: Phú Tân, Phú Vinh, Thanh Sơn, Ngọc Định. Trong đó có 32 căn nhà bị ngập; 12 hộ nuôi cá bè với gần 620 tấn cá các loại bị chết và thoát ra ngoài tự nhiên; 2 tấn tiêu bị ướt; 16 ha bưởi, xoài bị ngập...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phú Quốc, Đồng Nai vẫn ngập sâu trong lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.