Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá sâu hơn về việc đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân quen

Phong Thu| 27/08/2019 20:03

(HNMO) – Chiều 27-8, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu tiếp tục làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố.

Cùng làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành trung ương.

Quang cảnh buổi làm việc

Về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai cùng đại diện các sở, ban, ngành.

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát và đại diện các sở, ngành của Hà Nội đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đáng chú ý, để công tác này hiệu quả hơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng cần đề cao vai trò tuyên truyền cho học sinh các kỹ năng cần thiết của nhà trường, gia đình, để các em có thể ứng phó với các tình huống, bảo đảm an toàn cho bản thân. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các báo cáo của UBND thành phố và các sở, ngành đã khá đầy đủ thông tin liên quan đến nội dung, phạm vi giám sát, song cần phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong việc phòng, chống tình trạng này.

Đặc biệt, Hà Nội cần có đánh giá, phân tích sâu hơn về việc đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân, quen. Tới đây, thành phố cần có giải pháp cụ thể để có “gia đình an toàn”, “nhà trường an toàn”, “cộng đồng an toàn”, “phường, xã thân thiện”...

Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị thành phố có nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn để huy động được các lực lượng đoàn thể, cộng đồng chung tay vì công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Ghi nhận 7 giải pháp được UBND thành phố nêu ra, Trưởng đoàn giám sát cho biết, qua đợt giám sát này, Đoàn sẽ đánh giá chung tình hình trên toàn quốc.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng hoan nghênh thái độ và trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội trong việc xử lý vụ việc xảy ra ở Trường Tiểu học Gateway (quận Cầu Giấy). Thành phố cũng đã thông tin với Đoàn giám sát về cách xử lý, chỉ đạo giải quyết vụ việc. Qua sự việc đáng tiếc này, thành phố đã có những biện pháp để phòng ngừa tai nạn thương tích, rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá sâu hơn về việc đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân quen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.