Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai, dân chủ để tạo đồng thuận

Hương Ly| 05/09/2019 07:39

(HNM) - Việc công khai để nhân dân được biết, được nêu ý kiến về công tác quản lý trật tự xây dựng và giải phóng mặt bằng thời gian qua đã tạo sự đồng thuận, góp phần giúp các địa phương thuộc thành phố Hà Nội hạn chế vi phạm phát sinh, thực hiện các dự án đúng tiến độ. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra từ thực tiễn nhằm đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ trong hai lĩnh vực quan trọng này.

Quận Long Biên đã chủ động công khai thông tin quy hoạch giúp giải đáp các băn khoăn, vướng mắc của người dân. Ảnh: Viết Thành

Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra

Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, công tác quản lý trật tự xây dựng và giải phóng mặt bằng luôn được thành phố xác định là nhiệm vụ quan trọng. Riêng tại quận Cầu Giấy, từ đầu năm 2019 đến nay có 61 dự án giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất thu hồi là 47,68ha, liên quan đến 1.625 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Số lượng hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng và tổng diện tích đất phải thu hồi lớn đặt ra nhiều khó khăn với địa phương.

Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, để thực hiện tốt nhiệm vụ thành phố giao, UBND quận đã ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng. Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền tới các hộ dân; quận công khai các nội dung liên quan đến dự án để dân biết, dân bàn, dân tham gia ý kiến. Kết quả, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND quận đã phê duyệt 283 phương án bồi thường, hỗ trợ với giá trị 485 tỷ đồng và đã chi trả 184 phương án, với số tiền 330 tỷ đồng.

Nhận xét về việc triển khai Quy chế thực hiện dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng của địa phương, anh Nguyễn Thành Công (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết, thông qua cán bộ cơ sở, người dân nắm được khá đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án, mức giá đền bù, hỗ trợ. Những băn khoăn, vướng mắc của người dân luôn được lắng nghe, giải đáp kịp thời.

Tại quận Long Biên, từ năm 2012, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở quận đã thí điểm triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại 3 phường: Ngọc Lâm, Thạch Bàn, Đức Giang.

Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Đặng Đức Cường cho biết, sau 6 tháng triển khai, tỷ lệ công trình sai phép, trái phép, không phép đã giảm đáng kể. Từ đó, quận đã xây dựng Quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng áp dụng trên toàn quận từ ngày 1-1-2013. Đến nay, tỷ lệ nhà ở riêng lẻ xây dựng có phép của quận đạt 99,05%.

Ông Nguyễn Văn Hiệu (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) nhận xét, thông qua thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng, các công trình đều công khai giấy phép tại chân công trình và nhà văn hóa tổ dân phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giám sát, kịp thời phản ánh những dấu hiệu vi phạm đến cơ quan chức năng.

Đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận

Với đặc thù của thành phố đang phát triển mạnh với ngày càng nhiều dự án, công trình mới được xây dựng, nên công tác quản lý trật tự xây dựng cũng có nhiều khó khăn. Vì vậy, việc công khai các thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, huy động người dân cùng tham gia đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Với 35 dự án phải giải phóng mặt bằng và 11 dự án sẽ triển khai trong năm 2019, phải thu hồi đất của 4.046 hộ và 89 tổ chức, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, khối lượng công việc rất nặng nề, phức tạp, nếu chỉ thực hiện thông qua mệnh lệnh hành chính sẽ không thể đạt hiệu quả như mong muốn. Để thực hiện, quận đã tăng cường đối thoại, giải thích cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các dự án để người dân hiểu và ủng hộ...

Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường cho biết: "Trong công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương, cùng với việc kiên trì quan điểm “vận động, thuyết phục là chính”, chúng tôi luôn hướng người dân tới việc hài hòa 3 lợi ích: Vì sự phát triển chung của quận, vì lợi ích chung của cộng đồng và người dân được đền bù thỏa đáng…".

Theo Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Khắc Định, huyện luôn chú trọng phối hợp với UBND huyện phát huy vai trò tuyên truyền, giám sát của các đoàn thể tại cơ sở, nhất là tại địa bàn trọng điểm. Nhờ đó, các cấp, ngành, đoàn thể đều tích cực vào cuộc, từ đầu năm đến nay đã có trên 130 cuộc giám sát về trật tự xây dựng, quản lý đất đai được thực hiện.

Còn tại huyện Thanh Trì, một trong những địa phương đầu tiên của thành phố triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác quản lý trật tự xây dựng, khối dân vận của huyện tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân để phát hiện và xử lý các công trình vi phạm. Vì thế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra

vi phạm mới. Ông Nguyễn Thanh Quý (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy lãnh đạo huyện, xã thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý trật tự xây dựng, nên gia đình cũng tự nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm quy định khi tiến hành xây dựng”.

Đánh giá cao nỗ lực và cách làm chủ động, sáng tạo của hệ thống dân vận thành phố trong triển khai Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, để làm tốt nhiệm vụ được thành phố giao, bên cạnh thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cần tiếp tục nỗ lực tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận để người dân tích cực góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giảm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công khai, dân chủ để tạo đồng thuận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.