Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo: Bảo đảm công bằng, đúng đối tượng

Hà Hiền| 08/09/2019 06:57

(HNM) - Các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống (Nghị quyết 04). Vì mục tiêu không để người nghèo phải ở lại phía sau, Nghị quyết 04 được các địa phương triển khai linh hoạt, bảo đảm công bằng, đúng đối tượng.

Gia đình bà Phan Thị Kim Chi, phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) ủng hộ 50 triệu đồng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cẩn trọng, linh hoạt

Chị Bùi Thị Thanh, công chức văn hóa - xã hội, xã Phú Châu (huyện Ba Vì) cho biết, không ít cá nhân, gia đình rơi vào cảnh nghèo, nhưng không có khả năng tự thoát nghèo, vì nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như hộ đơn thân Nguyễn Thị Xuyên, thôn Liễu Châu (xã Phú Châu) đang gặp khó khăn, do không may mắc bệnh hiểm nghèo, con cái trong độ tuổi đi học. Cùng ở xã Phú Châu, bà Ngô Thị Tình, thôn Phong Châu sống trong cảnh nghèo do tuổi cao, sức khỏe yếu, không có người thân. “Ngoài các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đã thực hiện, những trường hợp đặc biệt này cần nhận được sự trợ giúp thường xuyên, bằng hoặc cao hơn mức chuẩn nghèo, thì họ mới có khả năng thoát nghèo. Do đó, Nghị quyết 04 được triển khai sẽ mang niềm vui đến với người nghèo”, chị Bùi Thị Thanh bày tỏ.

Để Nghị quyết 04 đi vào đời sống, xã Phú Châu và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì đang tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị quyết đến đông đảo nhân dân; đồng thời tiến hành rà soát lại nhu cầu, hoàn cảnh của từng hộ. Qua rà soát cho thấy, huyện Ba Vì có khoảng 600 trường hợp đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 04.

Tại huyện Đông Anh, các xã, thị trấn cũng đã hoàn thành việc rà soát và lập danh sách các trường hợp đề nghị được hỗ trợ và ngày 28-8 vừa qua, HĐND huyện Đông Anh đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND phê duyệt kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh cho biết, toàn huyện có 606 trường hợp thuộc diện được trợ cấp hằng tháng. So với Nghị quyết 04, kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo bền vững của huyện Đông Anh mở rộng thêm 371 trường hợp (trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người đơn thân nuôi con, trẻ em dưới 15 tuổi...) được trợ cấp thường xuyên bằng mức chuẩn nghèo. Nguồn kinh phí cấp bù cho những đối tượng này gần 4 tỷ đồng/năm sẽ được huyện cân đối từ nguồn chi ngân sách. Ngoài ra, huyện sẽ vận động xã hội hóa để có thêm nguồn lực giúp đỡ người nghèo.

Cùng với Ba Vì và Đông Anh, các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố cũng triển khai Nghị quyết 04 với tinh thần cẩn trọng, sáng tạo, linh hoạt. Trong đó, liên Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai một số chính sách đặc thù này, bảo đảm đúng người, đúng đối tượng.

Hướng đến mục tiêu không còn hộ nghèo

Ông Dư Văn Bệu (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa) bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn được tặng xe lăn điện để di chuyển.

Việc triển khai Nghị quyết 04 là giải pháp quan trọng để Hà Nội đưa hơn 23.000 hộ nghèo (bằng 1,16% tổng số hộ) với hơn 64.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 13.000 hộ không có khả năng thoát nghèo, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, nhằm hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2019.

Để thực hiện Nghị quyết, ngoài nguồn ngân sách thành phố, các địa phương cần bảo đảm kinh phí tăng thêm hơn 14 tỷ đồng/năm so với các chính sách đã triển khai. “Đối với những địa phương còn khó khăn, việc bố trí, huy động nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo là không dễ”, ông Đặng Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì nhận định.

Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ giảm nghèo với nhóm đối tượng đặc thù, bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, thời gian đầu thực hiện, quận Thanh Xuân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực hỗ trợ. Sau đó, các ban, ngành, đoàn thể từ quận đến cơ sở tích cực vận động nhân dân đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm nhận chăm sóc, đỡ đầu một số hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. Bền bỉ triển khai, đến cuối năm 2018, quận Thanh Xuân đã không còn hộ nghèo.

Theo ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, quận đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo là nhờ áp dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ trực tiếp những trường hợp không có khả năng thoát nghèo. Cụ thể, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trên địa bàn luôn nhận giúp đỡ một số hộ nghèo đến khi họ thoát nghèo; phường không còn hộ nghèo nhận giúp đỡ phường vẫn còn hộ nghèo; cứ 3 hộ gia đình kinh tế khá giả lại nhận giúp đỡ một gia đình nghèo… “Khi các hộ đã thoát nghèo, một số trường hợp đặc biệt vẫn được trợ cấp thường xuyên, nhằm bảo đảm thu nhập bình quân đạt 1,4 triệu đồng/người/tháng trở lên”, ông Phạm Xuân Tài cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, các địa phương còn hộ nghèo có thể học hỏi kinh nghiệm của những địa phương đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, từ đó triển khai Nghị quyết 04 phù hợp với tình hình thực tế.

Nghị quyết 04 có hiệu lực từ ngày 1-8-2019. Theo đó, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc các bệnh hiểm nghèo là thành viên thuộc hộ gia đình không có người còn khả năng lao động sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp bằng mức chuẩn nghèo của thành phố, tại thời điểm này là 1,4 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị và 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn. Kinh phí để thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững khoảng hơn 300 tỷ đồng/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo: Bảo đảm công bằng, đúng đối tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.