Theo dõi Báo Hànộimới trên

Úng ngập cục bộ tại một số khu vực: Cần cả giải pháp trước mắt và lâu dài

Dạ Khánh| 10/09/2019 06:28

(HNM) - Đợt mưa lớn cuối tháng 7 và ảnh hưởng của cơn bão số 3 đầu tháng 8-2019, trong khi các điểm úng ngập tại khu vực nội đô sau 2-3 giờ, nước cơ bản tiêu thoát thì một số khu vực tại quận Long Biên và các khu đô thị dọc Đại lộ Thăng Long (thuộc địa phận huyện Hoài Đức) úng ngập kéo dài nhiều ngày. Trước tình trạng này, những giải pháp trước mắt và lâu dài đã, đang được ngành chức năng của thành phố tích cực triển khai.

Úng ngập do bão số 3 vừa qua tại khu A, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco (huyện Hoài Đức). Ảnh: Yên Khánh

Tiêu thoát nhờ nước... tự chảy

Anh Lương Văn Vượng (số 6, ngõ 80 Hoa Lâm, phường Việt Hưng, quận Long Biên) vẫn ngán ngẩm khi nhớ lại cảnh úng ngập tại khu phố kéo dài đến 3 ngày do mưa lớn gần đây. “Nước ngập 30-50cm, tràn vào nhà. Mọi sinh hoạt đều rất bất tiện...”, anh Lương Văn Vượng chia sẻ.

Một số khu đô thị như: Bắc An Khánh, Nam An Khánh,... và một số điểm ven Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Hoài Đức trong tình cảnh tương tự. Chị Đỗ Huệ Chi (P825, A2, chung cư Gemek Tower, xã An Khánh, huyện Hoài Đức) cho hay, tình trạng úng ngập tại đây thường xảy ra khi có mưa lớn kéo dài. Đợt mưa bão vừa qua, nước rút rất chậm. Tại các khu biệt thự liền kề, nước ngập nặng, cư dân phải lội nước, chèo thuyền để vào nhà.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, cơn bão số 3 vừa qua, khu vực Long Biên xuất hiện điểm úng ngập trên các tuyến phố: Ngọc Lâm, ngõ 80 Hoa Lâm, Cổ Linh. Trong khi đó, khu vực Đại lộ Thăng Long, các khu đô thị và một số điểm gần đại lộ này thuộc địa bàn huyện Hoài Đức xảy ra tình trạng úng ngập kéo dài.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện, hệ thống thoát nước của Hà Nội mới được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tại khu vực nội thành, thuộc khu vực sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét với diện tích 77,5km2. Nhờ đó, thành phố có thể chủ động điều tiết mực nước trên hệ thống bằng việc đóng, mở các cửa phai, dẫn dòng, bơm hạ mực nước ra sông... Các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch phê duyệt, nên việc tiêu thoát nước chủ yếu tự chảy và phụ thuộc kênh, mương thủy lợi.

"Đợt mưa bão vừa qua, nước sông Nhuệ, Cầu Ngà dâng cao, còn xảy ra hiện tượng tràn ngược, gây tình trạng úng ngập cục bộ tại các vị trí trũng thấp, đặc biệt là khu vực các hầm chui dân sinh số 3, 5, 6 Đại lộ Thăng Long", ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Hiện nay, do chưa có hạ tầng thoát nước hoàn chỉnh nên các đơn vị được giao quản lý hệ thống thoát nước tại quận Long Biên (Xí nghiệp Thoát nước số 5) và trục Đại lộ Thăng Long (Xí nghiệp Thoát nước số 6) - đều thuộc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội vẫn đang tích cực triển khai các giải pháp tình thế. Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 5 Phan Thị Thúy cho biết, hằng năm, đơn vị đều chủ động duy tu, nạo vét các tuyến cống, kênh mương (kênh Kè Đá - Việt Hưng, Phúc Lợi - Cầu Bây),... để tăng cường khả năng tiêu thoát nước. Khi có mưa lớn, bên cạnh huy động nhân lực tua vớt rác, dỡ tấm chắn trên các miệng thu, giải tỏa bục bệ cản trở thoát nước; đơn vị cũng bố trí các xe bơm di động 300m3/giờ, xe hút, téc, bơm cưỡng bức tại các điểm úng ngập...

Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Nghĩa, Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 6 cho hay, chuẩn bị ứng phó với mùa mưa bão năm nay, cuối quý I-2019, đơn vị đã tiến hành nạo vét hạ thấp cốt hệ thống kênh, mương thoát ra sông Cầu Ngà (kênh Liên Tỉnh, Đồng Tép)...; cải tạo các ga thu nước dọc trục Đại lộ Thăng Long. Khi xảy ra úng ngập, tổ chức ứng trực, trục vớt rác; lắp đập bao tải cát tại các điểm ngập sâu (hầm chui số 3, 5, 6) để be chắn nước, dùng bơm di động bơm cưỡng bức nhằm sớm tiêu thoát nước, giảm thời gian úng ngập.

Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật, Sở Xây dựng cho hay, theo quy hoạch thoát nước của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 725/QĐ-TTg ngày 10-5-2013, khi các trạm bơm: Gia Thượng công suất 10m3/giây, Cự Khối 55m3/giây cùng hệ thống hồ điều hòa được xây dựng sẽ giải quyết triệt để tình trạng úng ngập tại phố Hoa Lâm, Ngọc Lâm... Ngoài ra, Trạm bơm Đông Dư công suất 8m3/giây thoát ra sông Hồng dự kiến đặt tại khu vực trên đường quy hoạch 30m (nối từ đê sông Hồng đến đường Nguyễn Bình); Trạm bơm Xuân Thủy: Phía Đông giáp sông Cầu Bây, phía Nam giáp sông Bắc Hưng Hải, công suất dự kiến 6m3/giây hoàn thành sẽ bảo đảm yêu cầu thoát nước cho toàn bộ lưu vực Long Biên. Hiện dự án Trạm bơm Gia Thượng đã được UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội là chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Với khu vực Đại lộ Thăng Long, khi Trạm bơm Yên Nghĩa 120m3/giây đi vào hoạt động bảo đảm 100% công suất; hệ thống kênh dẫn, kênh xả được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, mới có thể kiểm soát tình trạng nước sông Nhuệ dâng cao; qua đó cũng giải quyết triệt để tình trạng úng ngập tại các hầm chui. Hiện Trạm bơm Yên Nghĩa đang trong quá trình thi công (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là chủ đầu tư), dự kiến đến năm 2020, công trình sẽ hoàn thành.

Với việc triển khai đồng bộ những giải pháp cả trước mắt và lâu dài, hy vọng tình trạng úng ngập cục bộ tại các điểm nói trên sẽ sớm được khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Úng ngập cục bộ tại một số khu vực: Cần cả giải pháp trước mắt và lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.