Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đốt rơm rạ trên đồng: Xử lý cách nào?

Minh Phú| 30/09/2019 07:19

(HNM) - Thời điểm này, khu vực ngoại thành Hà Nội đang vào vụ gặt và tình trạng đốt rơm rạ trên nhiều cánh đồng vẫn tái diễn. Xóa bỏ triệt để việc đốt rơm là câu chuyện dài bởi thực tế chưa có chế tài xử lý cũng như chưa có nhiều mô hình hiệu quả sử dụng rơm vào các việc hữu ích... Vậy làm thế nào để Hà Nội đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ trên đồng và hoàn thành mục tiêu là “Thành phố không đốt rơm rạ”?

Đến vụ lại... đốt

Trên cánh đồng xã Hải Bối (huyện Đông Anh) những cột khói từ các đống rơm đang cháy bốc lên nghi ngút. Bà Phạm Thị Lan đang làm đồng ở đây cho biết: Trời nóng, lại kèm theo khói rơm khiến không khí ở đây ngột ngạt, khó chịu. 

Đốt rơm rạ trên cánh đồng ở xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ.

Tình trạng đốt rơm cũng diễn ra ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Dọc theo tỉnh lộ 417 nối từ xã Võng Xuyên về thị trấn Gạch (huyện Phúc Thọ) những ngày qua mịt mù khói rơm khiến người tham gia giao thông, đặc biệt vào chiều tối gặp không ít khó khăn. Tại huyện Sóc Sơn, người dân đốt rơm gần sân bay quốc tế Nội Bài khiến Cảng vụ Hàng không miền Bắc phải gửi công văn đề nghị huyện này ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm để không làm ảnh hưởng đến an toàn hàng không...

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ, vụ mùa năm 2019, toàn huyện trồng khoảng 3.000ha lúa. Rơm sau thu hoạch chỉ một phần được nông dân bán cho các cơ sở trồng nấm, chăn nuôi và một số hộ dùng để che phủ cho cây đậu tương vụ đông..., phần còn lại đốt ngay trên đồng. Còn tại huyện Đông Anh, mỗi năm phát sinh khoảng 30.000 tấn rơm rạ, trong đó có khoảng 4.500 tấn bị đốt ngoài đồng...

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, mỗi năm thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và một lượng lớn trong số đó được đốt trên đồng. Từ năm 2017, Hà Nội đã triển khai kế hoạch hạn chế, tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ vào năm 2020. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ, nhưng tình trạng này vẫn chưa giải quyết được triệt để… Tham gia cùng Tổ công tác liên ngành gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT và Công an thành phố Hà Nội làm việc với các huyện, thị xã về việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, phóng viên Báo Hànộimới cũng ghi nhận việc đốt rơm rạ vẫn phổ biến ở nhiều địa phương.

Kiến nghị bổ sung chế tài xử lý

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đốt rơm rạ trên đồng. Bà Vũ Thị Hường, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) cho biết: Người dân không có nhu cầu sử dụng rơm nên đốt luôn trên đồng để lấy tro bón ruộng. Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Nguyễn Đông Hiếu, việc sử dụng các chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón chưa thật sự thuận tiện với người nông dân. Ủ hoai mục bằng cách rải rơm tại ruộng, cần lượng nước mặt ruộng tối thiểu là 5cm. Đối với những cánh đồng cao và vào vụ gặt lúa mùa khó lấy nước để thực hiện việc này. Đối với việc ủ đống, cần mặt bằng, bạt che, chưa kể chuyện đảo rơm và bổ sung nước... mất nhiều công sức nên nông dân chưa mặn mà. Mặt khác, việc cung ứng chế phẩm sinh học chưa rộng rãi nên người dân khó tiếp cận với mô hình này.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần thông tin: "Việc sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu cho các loại hình sản xuất chưa nhiều. Ở Ba Vì, rơm rạ chủ yếu dùng làm thức ăn cho trâu, bò, một số ít được sử dụng để trồng nấm... còn lại nông dân chưa biết dùng vào việc gì nên đốt tại ruộng".

Trong khi việc đốt rơm diễn ra phổ biến thì chế tài xử lý các trường hợp này vẫn thiếu và yếu. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ Đoàn Văn Quyền cho biết: Đa số các hộ dân đốt rơm rạ vào lúc chiều, tối nên cơ quan chức năng khó kiểm tra, phát hiện. Hơn nữa, nếu có phát hiện cũng chỉ dừng ở việc nhắc nhở, chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe đối với các trường hợp đốt rơm rạ.

Về vấn đề này, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, năm 2019, Hà Nội hỗ trợ nông dân chế phẩm để xử lý hơn 650ha rơm rạ sau thu hoạch. Cùng với đó, nhiều huyện đã phối hợp với doanh nghiệp thu mua rơm làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm. Trong đó, huyện Đông Anh đã thu mua được 3.600 tấn rơm/năm cho nông dân. Người dân các xã Vạn Thắng, Tòng Bạt, Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) đã đầu tư máy cuốn rơm làm thức ăn chăn nuôi... 

Nhằm đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ trên đồng, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ nông dân sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón. Đồng thời các địa phương, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực nhân rộng những mô hình sử dụng rơm rạ hiệu quả, hữu ích để thuyết phục nông dân tham gia. Khi rơm rạ được sử dụng hiệu quả, tình trạng đốt rơm trên đồng sẽ được xử lý triệt để. 

Mặt khác, nhiều địa phương kiến nghị thành phố tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch “Thành phố không đốt rơm rạ” đến năm 2023 (thay vì đến năm 2020 theo kế hoạch), đồng thời, bổ sung chế tài xử lý đối với hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch để tăng cường hiệu quả quản lý.

Ông Mai Trọng Thái cho biết: “Hiện nay, Tổ công tác liên ngành của thành phố đang kiểm tra việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của các địa phương, tham mưu trình UBND thành phố tháo gỡ khó khăn để công tác này đạt hiệu quả cao hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đốt rơm rạ trên đồng: Xử lý cách nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.