Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Tuyến xã còn dè dặt

Gia Phong| 08/10/2019 18:40

(HNMO) - Sau 3 tháng thí điểm, các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của các địa phương đã tiến hành xử phạt hơn 300 cơ sở với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Chiều 8-10, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chủ trì hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố, từ ngày 10-7, Hà Nội triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã tiến hành xử phạt hơn 300 cơ sở với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến cơ sở, thành phố đã tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra cho gần 4.000 công chức, viên chức và đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 1.240 người. Đến nay, 100% quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ lực lượng để thành lập từ 1-2 đoàn thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế trong khi quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai. Ngoài ra, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc..., gây khó khăn cho việc thanh tra. Tâm lý "làng xóm, họ hàng" làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện thí điểm triển khai công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm một cách bài bản, hiệu quả và được Chính phủ đánh giá cao. Ngoài ra, từ năm 2016, thành phố đã có 5 quận, huyện và 10 xã, phường triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và đến nay, những đơn vị này tiếp tục triển khai khá tốt nhiệm vụ này. Nhờ đó, trong 9 tháng của năm 2019, thành phố chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn với nhiều người mắc. 

Với khó khăn được nhiều quận, huyện nêu tại hội nghị như khi tiến hành kiểm tra, có cơ sở đã đóng cửa, đối phó với đoàn thanh tra, theo đồng chí Nguyễn Văn Sửu, việc thanh tra muốn đạt hiệu quả phải được triển khai liên tục. Khi thanh tra, cơ sở đóng cửa thì cơ quan chức năng cần tiếp tục đến kiểm tra lại, trong trường hợp cơ sở vẫn đóng cửa thì sẽ cho dừng hoạt động.  

Với phương châm không "đút chân gầm bàn", phải đi kiểm tra thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Sửu yêu cầu lãnh đạo các địa phương khi triển khai thanh tra an toàn thực phẩm phải bảo đảm các chủ tịch, phó chủ tịch cấp quận, huyện có mặt, đi kiểm tra an toàn thực phẩm ít nhất một lần/tháng; chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đi kiểm tra một lần/tuần. Ngoài ra, mỗi tháng, các quận, huyện phải tổ chức giao ban, đánh giá công tác triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, từ đó rút kinh nghiệm triển khai tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm: Tuyến xã còn dè dặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.