Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện 9 giải pháp phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô

Tiến Thành| 09/10/2019 12:59

(HNMO) - Sáng 9-10, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ tháng 4-2016 đến tháng 4-2019 thành phố đã xảy ra 2.637 vụ cháy và 6 vụ nổ khiến 61 người chết, 60 người bị thương, thiệt hại về tài sản lên tới 758 tỷ đồng.

Thực hiện các kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy của UBND thành phố, các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đã cụ thể hóa thành các nội dung thiết thực, phù hợp với địa bàn cơ sở. Từ đó, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy được nâng cao, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, người đứng đầu cơ sở.

Nhìn nhận về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, Phó Giám đốc Công an thành phố cho rằng công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa tiếp cận được các tầng lớp nhân dân; công tác xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng chưa bảo đảm yêu cầu, hoạt động còn mang tính hình thức; công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, cơ sở còn sơ hở, cơ chế quản lý chưa chặt chẽ, rõ ràng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, UBND các quận, huyện đã trao đổi về thực trạng và những vướng mắc để tìm ra những giải pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong thời gian tới.

Về việc phòng cháy, chữa cháy tại các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải kiến nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã có liên quan kiểm soát chặt chẽ các dự án khu, cụm công nghiệp đang xây dựng để bảo đảm đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.

Đối với các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, Sở Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền về xây dựng quy chế quản lý khu, cụm công nghiệp làm cơ sở quản lý, trong đó có các nội dung về phòng cháy, chữa cháy.

Là địa bàn “nóng” về cháy nổ kho, xưởng trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, từ tháng 5-2019 đến nay quận đã kiểm tra 300 cơ sở kho, xưởng trên địa bàn, qua đó xử phạt 150 cơ sở với số tiền khoảng 1 tỷ đồng, ra quyết định tạm đình chỉ 18 cơ sở và đình chỉ 106 cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã đề xuất 6 giải pháp nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh việc cần kiên quyết xử lý các tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ ngay từ khi cơ sở hình thành và trong suốt quá trình hoạt động.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đối với các công trình chung cư, nhà cao tầng xây dựng mới phải đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy mới đồng ý ký hợp đồng bán điện. Đồng thời, Tổng công ty cũng sử dụng tổng đài điện thoại tiếp nhận phản ánh của đơn vị, cá nhân về các công trình điện có nguy cơ chập cháy để có giải pháp kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu phát biểu kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện 9 nội dung giải pháp để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm đồng bộ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các đơn vị, địa phương cũng rà soát, tham mưu UBND thành phố các giải pháp giải quyết dứt điểm những tồn tại bức xúc về phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về cháy nổ.

UBND các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; xây dựng và phát huy hiệu quả lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, chuyên ngành đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”.

Sở Công Thương và Tổng công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo các đơn vị điện lực tăng cường kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy từ hệ thống, thiết bị điện.

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu Công an thành phố và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải chủ động, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra liên ngành.... Đồng thời, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bên cạnh đó, Công an thành phố và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần chú ý tăng cường công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, tạo môi trường thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện 9 giải pháp phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.