Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý vi phạm pháp luật đê điều: Địa phương phải quyết liệt vào cuộc!

Kim Nhuệ| 11/10/2019 06:52

(HNM) - Thời gian gần đây, một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đê điều. Trong đó, riêng tháng 8-2019 phát sinh 10 vụ vi phạm và thành phố yêu cầu các địa phương phải xử lý, báo cáo thành phố trước ngày 5-10. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, nhiều vi phạm vẫn tồn tại dù đã qua thời hạn. Đã đến lúc các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, thực hiện nghiêm pháp luật đê điều.

Các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, rõ trách nhiệm, đồng bộ giải pháp, thực hiện nghiêm pháp luật đê điều. Trong ảnh: Thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) tiếp tục triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật đê điều trên đê tả Đáy. Ảnh: Kim Văn

Hồ sơ vi phạm đã lập - nhưng địa phương chậm xử lý

Theo Văn bản số 4062/UBND-KT (ngày 19-9-2019) của UBND thành phố Hà Nội, trong tháng 8-2019, trên địa bàn các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Oai xảy ra 10 vụ vi phạm pháp luật đê điều, không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Vì vậy, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các địa phương trên xử lý dứt điểm, báo cáo UBND thành phố trước ngày 5-10.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới ngày 4 và 5-10, những vi phạm xảy ra trên các tuyến đê hữu Hồng, hữu Đà, tả Đáy, hữu Cà Lồ… thuộc địa phận các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên… vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Cụ thể, trên tuyến đê hữu Hồng, ông Lê Trung Xuân ở xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) chưa dỡ bỏ tường gạch xây vào mái và chân đê, cầu dẫn từ nhà ở lên mặt đê đoạn K12+870; ông Lê Đức Trịnh ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) chưa dỡ bỏ lán dựng bằng khung thép trong phạm vi bảo vệ đê đoạn K106+350.

Trên tuyến tả Đáy, ông Đào Văn Tuyến ở xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) chưa di chuyển cát, sỏi trong hành lang bảo vệ đê, đoạn K28+150. Trên tuyến tả Cà Lồ, ông Nguyễn Văn Đức, ở xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) chưa tháo dỡ nhà bằng khung thép rộng gần 80m2 trong phạm vi bảo vệ đê, đoạn K2+300… Đặc biệt, trên tuyến hữu Đà, ông Đào Vương Hảo, ở xã Sơn Đà (huyện Ba Vì) vẫn chưa di chuyển khoảng 120m3 đất đã đổ lên mái kè Khê Thượng…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Trần Thanh Mẫn cho biết, tất cả vi phạm nêu trên đều được các hạt quản lý đê lập biên bản, thiết lập hồ sơ chuyển chính quyền địa phương xử lý theo thẩm quyền. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã gửi công văn đề nghị các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên... tập trung xử lý vi phạm ngay trong tháng 9-2019. 

Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, thống kê 9 tháng năm 2019, 17 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã để phát sinh 82 vụ vi phạm pháp luật đê điều; trong đó, huyện Ba Vì nhiều nhất, 20 vụ; tiếp đến Sóc Sơn 14 vụ, Thường Tín 8 vụ, Ứng Hòa 6 vụ… Điều đáng nói, đến thời điểm này các địa phương mới xử lý 14 vụ, còn tồn đọng 68 vụ... 

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, ở một số nơi, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Có địa phương đã giao cho các hộ dân thuê đất xây dựng nhà ở, hoặc sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng ngay trong hành lang bảo vệ đê. Ngoài ra, nhiều người dân chưa hiểu đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực này…

Chứng kiến các vụ vi phạm pháp luật đê điều xảy ra trên địa bàn, ông Phạm Hồng Kỳ, người dân xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) đặt câu hỏi: “Các cấp chính quyền đều có lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, đất đai, trật tự xây dựng… nhưng tại sao vẫn để xảy ra vi phạm và vi phạm chậm bị xử lý…?”.

Phải xử lý triệt để

Liên quan đến những trường hợp vi phạm pháp luật đê điều mới phát sinh mà thành phố yêu cầu xử lý trước ngày 5-10, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần thừa nhận có tình trạng lãnh đạo xã thiếu quản lý, chậm xử lý vi phạm.

“Thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện Ba Vì đã yêu cầu các xã Tản Hồng, Sơn Đà khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức lực lượng giải tỏa vi phạm trong tháng 10 này. Cùng với đó, huyện sẽ tạm đình chỉ chức vụ đối với chủ tịch UBND các xã, thị trấn để xảy ra vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn, mà không kiên quyết xử lý…”, ông Nguyễn Đình Dần thông tin.

Phế thải xây dựng đổ trên đê hữu Đà, đoạn xã Tòng Bạt (huyện Ba Vì). Ảnh: Kim Văn

Về hướng xử lý cụ thể, ông Hoàng Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) cho biết, xã đã lập hồ sơ xử phạt hành chính đối với cá nhân vi phạm, đồng thời phối hợp với các phòng chức năng của huyện Ba Vì hoàn thiện thủ tục để cưỡng chế…

Còn theo ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đà (huyện Ba Vì), xã đã ra quyết định xử phạt hành chính cá nhân vi phạm; sẽ tổ chức cưỡng chế nếu cá nhân vi phạm không tự khôi phục hiện trạng sau ngày 10-10...

Mặt khác, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh, nhiều tuyến đê chạy qua các khu dân cư là nguyên nhân chính dẫn tới vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Do đó, về lâu dài, huyện Sóc Sơn đề xuất đầu tư xây dựng 16,76km đường hành lang đê đi qua các xã: Xuân Thu, Kim Lũ, Việt Long, Tân Hưng, Xuân Giang, Đức Hòa… Nếu có tuyến đường này, việc lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều sẽ được giải quyết triệt để...

Đề cập đến giải pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật đê điều nói chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, ngoài xử lý hành chính, địa phương đã giao Công an huyện điều tra, xử lý hình sự một hộ dân ở xã Xuân Nộn có hành vi đổ khối lượng lớn phế thải xây dựng xuống sông Cà Lồ.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn đề nghị được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đường hành lang chân đê, tách các khu dân cư và phạm vi bảo vệ đê. Đồng thời, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều theo hướng tăng thẩm quyền, mức phạt cho chính quyền xã, để phù hợp với thực tế…

Theo Sở NN&PTNT, Sở tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương tập trung xử lý vi phạm pháp luật đê điều theo thẩm quyền được giao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đang có bất cập trong chỉ đạo xử lý vi phạm giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương.

Vì vậy, để ngăn chặn hiệu quả vi phạm pháp luật đê điều, các cấp chính quyền phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Nếu không, tình trạng “đá bóng” trách nhiệm còn tái diễn, vi phạm pháp luật đê điều khó xử lý dứt điểm như chỉ đạo của thành phố.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật đê điều. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm... Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý, xử lý vi phạm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý vi phạm pháp luật đê điều: Địa phương phải quyết liệt vào cuộc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.