Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng 70% đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi tới Quốc hội liên quan đến đất đai

Phong Thu| 14/10/2019 13:59

(HNMO) - Ngày 14-10, tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ ngày 16-8-2018 đến 15-8-2019).

Toàn cảnh phiên họp.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo cho biết, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận 39.793 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, giảm 3.531 đơn so với cùng kỳ.

Trong tổng số 39.793 đơn gửi tới Quốc hội có 25.434 đơn nặc danh, trùng nội dung, đơn không đủ điều kiện được xếp lưu theo dõi (chiếm 63,91%); 14.359 đơn đủ điều kiện (chiếm 36,08%). Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến đất đai (chiếm khoảng 70%).

Ngoài ra, nổi lên một số nội dung khiếu nại liên quan đến việc triển khai, thực hiện mở rộng, xây mới khu tập kết, xử lý rác thải; quy hoạch nghĩa trang; thực hiện thu phí BOT tại một số dự án giao thông đường bộ và các đơn, thư liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư...

Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế về cơ sở vật chất, việc bố trí nơi tiếp công dân, phòng tiếp công dân của một số cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự thuận tiện cho người dân; đối với cấp xã, tỷ lệ bình quân chủ tịch UBND xã tiếp công dân định kỳ chỉ đạt 49%; một số đơn do Quốc hội chuyển đã giải quyết nhưng việc trả lời, thông báo kết quả đến cơ quan chuyển đơn, đến các đại biểu Quốc hội còn chậm nên không có thông tin để giải thích cho công dân khiến công dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều cơ quan…

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu tán thành với báo cáo. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao báo cáo vì có đầy đủ thông tin chi tiết. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều nội dung có thể cho vào phần phụ lục để báo cáo thu gọn hơn, rút ngắn thời gian trình bày cho đúng tinh thần đổi mới của Quốc hội.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo vì nội dung chặt chẽ, đầy đủ, có các phụ lục chứng minh.

Nêu lên một số hạn chế trong công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri (trả lời chung chung, trả lời chưa đúng, chậm; tỷ lệ giải quyết xong còn thấp; nhiều kiến nghị tồn đọng qua nhiều năm, nhiều kỳ họp chưa được xử lý dứt điểm…), Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị, cần nghiên cứu làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan… 

* Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy của Quốc hội.

Theo báo cáo, qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 1.463 cuộc tiếp xúc định kỳ (chiếm 86,7%), 132 cuộc tiếp xúc theo nhóm đối tượng, 93 cuộc tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đã tổng hợp được 2.251 kiến nghị; qua phân loại, lọc kiến nghị trùng còn 2.224 kiến nghị liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp…

Các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri như là: Tài nguyên và môi trường (205 kiến nghị), giáo dục và đào tạo (191 kiến nghị), lao động, thương binh và xã hội (167 kiến nghị), giao thông - vận tải (160 kiến nghị)… Đến nay, các ngành, các cấp đã giải quyết, trả lời được 2.201 kiến nghị (đạt 98,97%).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng 70% đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi tới Quốc hội liên quan đến đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.