Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng hành với trẻ em có H

Hà Hiền| 20/10/2019 07:55

(HNM) - Quan tâm, chăm sóc và đồng hành với trẻ em có H (HIV) trong quá trình phát triển của trẻ, đội ngũ cán bộ, giáo viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) trở thành người bố, người mẹ thứ hai của những mảnh đời kém may mắn. Lớn lên trong gia đình ăm ắp tình yêu thương, các con luôn nuôi dưỡng ước mơ tốt đẹp, nỗ lực để hòa nhập cộng đồng.

Chăm sóc trẻ em có H tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2.

Gia đình thứ hai

Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đang nuôi dưỡng hơn 70 trẻ em có H đến từ thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác. Hằng ngày, các con thức dậy trước 6h sáng, làm vệ sinh cá nhân, uống thuốc, ăn sáng rồi chuẩn bị đồ dùng, sách vở đi học. Anh chị lớn đi học tại trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cách nơi ở một vài kilô mét. Các con bậc tiểu học được giáo viên Trường Tiểu học Yên Bài B vào tận nơi giảng dạy.

Học sinh lớp 1 và 2 của cô giáo Đinh Thị Thủy ngồi chăm chú nghe giảng. Khi cô giáo dạy lớp 2, các con lớp 1 tập đánh vần từng chữ, ghép vần thành công, các con nhìn cô mỉm cười hạnh phúc. Khi cô dạy lớp 1, anh chị lớp 2 viết những phép tính cộng, trừ ra vở nháp, tập trung làm bài. Học sinh lớp 3 và 4 do cô Phùng Thúy Hà chủ nhiệm nỗ lực tiếp thu kiến thức mới.

Lớp 5 của thầy Nguyễn Ngọc Hương gồm những học sinh có cá tính khác biệt, mang đến không khí sôi nổi trong mỗi giờ học. Ngoài kiến thức được học, học sinh còn được thầy, cô giáo nói chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, dạy kỹ năng sống…

Các em nhỏ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo múa hát, tập tô, vui chơi trong không gian có nhiều đồ chơi, trò chơi phong phú, hữu ích. Sau giờ học, học sinh nữ trở về ngôi nhà thân yêu mang tên Hướng Dương và Hoa Mai; học sinh nam sinh hoạt trong ngôi nhà mang tên Dế Mèn và Sóc Nhí. Tại đây, trẻ em có H được đội ngũ cán bộ, nhân viên Phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mà các con thường gọi là bố, mẹ chăm chút từ miếng ăn, giấc ngủ, cho đến hoạt động vui chơi.

Ông Nguyễn Văn Phú, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cho biết: "Việc tổ chức các hoạt động và duy trì nếp sinh hoạt cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo mô hình gia đình thay thế đã tạo ra không khí gia đình ấm áp, yêu thương, giúp các con cảm nhận được tình thân. Ngoài sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của bố, mẹ, các con còn nhận được sự quan tâm, đầu tư cả về vật chất, tinh thần của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Nhờ đó, cuộc sống của các con ngày càng ổn định, phát triển".

Lớn lên trong gia đình thứ hai, nhiều trẻ có H dần khôn lớn, nỗ lực hòa nhập cộng đồng. Điển hình là Ng.Đ.Đ, từ một đứa trẻ ốm yếu, nay đã trở thành thanh niên khỏe mạnh, đang học năm thứ hai đại học; Ng.T.Th đã có việc làm ổn định với mức thu nhập đủ nuôi sống bản thân, thường xuyên về thăm các bố, mẹ và các em. Nhiều trường hợp khác đang học trung học phổ thông song song với học nghề tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp gần Cơ sở cai nghiện ma túy số 2.

Trò chuyện với chúng tôi, L.M.L (sinh năm 2004), thành viên gia đình Sóc Nhí cho hay: “Con yêu thích những công việc liên quan đến máy tính, nên được các bố, mẹ định hướng học nghề công nghệ thông tin. Với chương trình học văn hóa song song với học nghề, chỉ vài năm nữa, con sẽ có cơ hội hòa nhập cộng đồng”.

Nỗi niềm của những người mẹ

Trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ những đứa con có H, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các con. Chị Hoàng Thị Luyến, một trong bốn người mẹ của gia đình Hoa Mai chia sẻ: “Chỉ cần các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, trưởng thành, thì công việc dù vất vả đến đâu, chúng tôi cũng có thể vượt qua. Điều chúng tôi mong muốn là cộng đồng hãy quan tâm, thấu hiểu và đồng hành toàn diện với trẻ em có H".

Chung nỗi niềm, chị Hồ Thị Thu Chín, nhân viên y tế chia sẻ: "Những năm gần đây, các con có H được đưa vào nuôi dưỡng tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đều phát triển tốt. Qua đó có thể nhận thấy, nếu được chăm sóc đúng cách, uống thuốc điều trị đều đặn, trẻ có H vẫn sống khỏe mạnh, đủ khả năng hòa nhập xã hội. Tiếc rằng, đâu đó vẫn có những người còn kỳ thị, xa lánh; còn một số đơn vị, doanh nghiệp chưa sẵn sàng đón nhận lao động có H vào làm việc… Thậm chí, một số con bị chính người thân chối bỏ".

Chị Thu Chín đã kể trường hợp của N.G.H bị bỏ rơi khi vài ngày tuổi và may mắn có người phát hiện đưa về ngôi nhà chung của trẻ em có H Sau gần 5 tháng có hơi ấm tình thương, em N.G.H ăn ngoan, ngủ ngoan, sức khỏe ổn định. Trường hợp khác là B.T.T (sinh năm 2018), bị bỏ rơi trước cổng Bệnh viện Quân y 108 khi mới hơn 1 tháng tuổi.

“Tôi luôn mong muốn những đứa trẻ có H được người thân đón nhận, yêu thương. Trong trường hợp không thể chăm sóc các con, gia đình hãy đưa con đến các đơn vị bảo trợ xã hội, đừng vì bất cứ lý do nào mà bỏ rơi các con”, chị Thu Chín bày tỏ.

Cùng với sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ, trẻ có H gần đến độ tuổi lao động cần được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, cụ thể hơn.

Theo chị Đào Thị Huyền, Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, tại thời điểm này, nghề phù hợp với người có H là máy tính văn phòng, thiết kế đồ họa hoặc một số nghề thủ công. Trong quá trình học nghề, người có H cần nhận được sự hỗ trợ từ khâu hướng nghiệp, đào tạo cho đến khi làm việc.

Hoạt động hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm cho người có H nên triển khai linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường và sức khỏe của người có H.

Nỗi niềm băn khoăn, trăn trở của những người mẹ trong ngôi nhà chung của trẻ em có H cũng là vấn đề bất cập trong xã hội hiện nay. Hy vọng, các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm và mỗi người dân trong cộng đồng hãy rộng mở tấm lòng đón nhận người có H nói chung, trẻ em có H nói riêng. Các cơ quan chức năng tạo ra giá đỡ vững chắc hơn, giúp trẻ em dù ở hoàn cảnh nào cũng có cơ hội thực hiện những ước mơ cho riêng mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành với trẻ em có H

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.