Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh: Ưu tiên các giải pháp căn cơ

Trọng Ngôn| 21/10/2019 09:09

(HNM) - Công tác chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh luôn là vấn đề rất nan giải. Vì thế, chính quyền thành phố luôn lắng nghe ý kiến đóng góp, hiến kế của chuyên gia, nhà khoa học, người dân để việc chống ngập đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần ưu tiên tập trung vào các giải pháp căn cơ...

Nhiều nỗ lực, nhưng vẫn ngập

Trong đợt triều cường lịch sử cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, hàng trăm hộ dân ở thành phố Hồ Chí Minh đã bị thiệt hại nặng. Ông Trần Văn Long (sống tại hẻm 213, Mễ Cốc, phường 15, quận 8) cho biết, do nước tràn vào nhà quá nhanh, không trở tay kịp khiến nhiều thiết bị điện tử của gia đình bị hư hỏng.

Ông Nguyễn Mai Trung, Chủ tịch UBND phường 15, quận 8 cho biết, việc úng ngập khiến bà con sống trên địa bàn bị thiệt hại nặng là do triều cường làm vỡ bờ bao.

Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên các giải pháp căn cơ để việc chống ngập đạt hiệu quả.

Từ năm 2008, thành phố cũng đã triển khai thực hiện Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh (còn gọi là Quy hoạch 1547). Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 4.176/6.000km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo 60/5.075km kênh rạch (đạt hơn 1%); hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn…

Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa giải quyết được căn cơ bài toán chống ngập. Đáng chú ý, trận triều cường lịch sử cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua đã có tới 21 tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập sâu đến 0,3m. Trước tình hình đó, mới đây HĐND thành phố cho rằng cần nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch chống ngập bởi quy hoạch hiện nay đã quá lạc hậu so với tình hình thực tiễn.

Nhận định về nguyên nhân “ngập hoàn ngập”, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung cho biết, sau 7 năm nghiên cứu về ngập ở thành phố Hồ Chí Minh thì "thủ phạm" chính gây ngập (65% diện tích bị ngập) đa phần do cốt nền trũng thấp. Những vị trí bị ngập thường chỉ đạt cao độ dưới 1,5m trong khi thủy triều thường xuyên đạt mức trên 1,68m (trên báo động 3 gần 0,2m), chưa kể nước biển dâng. Trong khi đó, trung bình thành phố sụt lún khoảng 5cm/năm.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Bảo (chuyên gia thủy lợi và môi trường), có 2 nguyên nhân chính gây ngập tại thành phố Hồ Chí Minh là triều cường và mưa lớn. "Do đó, bản chất chống ngập là đẩy nước mưa ra ngoài và ngăn triều cường tiến vào", ông Bảo nói.

Tôn trọng quy luật tự nhiên

Ở những vùng trũng thấp như quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh... có chức năng thoát nước cho cả thành phố nhưng tốc độ đô thị hóa cao đã khiến những nơi này mất dần chức năng trên.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thành phố cần rà soát lại vùng nào là vùng trũng vẫn còn giữ được sự cân bằng thiên nhiên để xây hồ điều tiết. Bên cạnh đó, thành phố có lợi thế về kênh, rạch chằng chịt, có thể tận dụng để chống ngập. Thành phố cần vẽ lại bản đồ kênh rạch, làm sao để tất cả các kênh, rạch được thông suốt với nhau. Những kênh, rạch nào có khả năng chứa lượng nước lớn hoặc nằm ở khu vực thấp, cần nạo vét, đào sâu hơn để chứa nước, song song với chống sạt lở.

“Chúng ta phải tôn trọng quy luật tự nhiên. Nếu đã phá vỡ quy luật này thì phải phục hồi trở lại cân bằng thiên nhiên. Đây là giải pháp căn cơ chống ngập cho thành phố”, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh.

Cùng góp ý về giải pháp chống ngập, kỹ sư Nguyễn Trọng Dần (Hội Khoa học kỹ thuật máy thủy khí Việt Nam) đề xuất, thành phố có thể đưa ra nhiều giải pháp tùy vào từng địa hình.

Cụ thể, tại những vị trí có địa hình cao, nguyên tắc giải quyết là quy hoạch hệ thống cống tự tiêu (mạng lưới tiêu thoát, độ lớn lòng cống và độ dốc tự tiêu); còn với địa hình thấp (vùng trũng, sụt lún), nguyên tắc giải quyết là quy hoạch hệ thống cống tiêu gom, tạm trữ tại hầm, hồ điều hòa và dùng hệ thống động lực (bơm) đưa nước tới các vị trí hay hệ thống tiêu thoát như sông, rạch, hồ chứa.

Đồng tình với các giải pháp trên, Tiến sĩ Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết thêm, thành phố cần xác định cao độ nền đất xây dựng; nạo vét, cải tạo nâng cao khả năng tiêu thoát nước sông chính, hệ thống kênh, rạch nội ô; xây dựng hệ thống thoát nước đô thị hoàn chỉnh và kết nối với hệ thống sông, rạch.

Đối với khu vực đô thị cũ, sử dụng các hệ thống thoát nước chung hiện hữu, xây dựng các tuyến thu gom nước thải đưa về các trạm xử lý; đối với khu vực xây dựng mới, lắp đặt các hệ thống thoát nước riêng, hạn chế tối đa san lấp hồ, sông, kênh, rạch, khuyến khích xây dựng các hồ điều hòa. 

GS.TSKH Lê Huy Bá (chuyên gia môi trường và biến đổi khí hậu) cho rằng, các bộ, ngành và thành phố cần ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp, đưa ra quyết sách chung. Trước hết, rà soát lại tất cả các quy hoạch chống ngập, quy hoạch nào lạc hậu phải điều chỉnh lại, cân đối vốn, đầu tư xây dựng các dự án chống ngập.

Trong năm 2019, bên cạnh tiếp tục triển khai xây dựng dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu trị giá 10.000 tỷ đồng, thành phố tiếp tục triển khai 218 dự án chống ngập khác với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu sau khi các dự án chống ngập trên đi vào hoạt động, sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm thành phố và 5 lưu vực ngoại vi, góp phần cải thiện đời sống dân sinh và bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh: Ưu tiên các giải pháp căn cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.