Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán công nghệ phải gắn với tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí

Mai Hoa| 13/11/2019 11:47

(HNMO) - Sáng 13-11, tại Hà Nội, Bộ Thông và và Truyền thông đã tổ chức diễn đàn "Báo chí và công nghệ". Sự kiện này cũng chính thức khởi động dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024" - một dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của báo chí, thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội.

Quang cảnh diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ sẽ tạo ra cuộc chơi mới, mô hình kinh doanh mới, trong bối cảnh hệ sinh thái truyền thông số trên toàn thế giới đang có những biến động rất mạnh, đặt báo chí trước hoàn cảnh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Vì thế, quá trình tìm lời giải về công nghệ phải song song với việc tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam có những công ty công nghệ số rất mạnh, không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng điện toán đám mây (Cloud), mà còn có thể phát triển các nền tảng, các ứng dụng cho báo chí. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin và các doanh nghiệp công nghệ số chung tay vì sự phát triển của báo chí nước nhà và cũng là vì sự phát triển của chính mình.

Theo Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc, nguồn lực báo chí và những giá trị báo chí đem lại cho xã hội rất lớn, nhưng báo chí đang đứng trước thực tế là nguồn thu ngày càng suy giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, báo chí một mặt phải làm rõ vai trò là cơ quan ngôn luận của cơ quan, tổ chức chủ quản, mặt khác, cần kết hợp ứng dụng công nghệ trong khai thác dữ liệu, coi công nghệ truyền thông là một trong các giải pháp quan trọng cho vấn đề này. Diễn đàn "Báo chí và công nghệ" và dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024", với phương châm xã hội hóa các nguồn lực, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng lực ứng dụng và sử dụng công nghệ hỗ trợ để phát triển các hoạt động của báo chí Việt Nam.

Tại diễn đàn, một số tham luận đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu, đề cập các vấn đề lớn như: "Báo chí sẽ có chiến lược nào với các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói", "Truyền thông báo chí với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng", "Ứng dụng của công nghệ Mobiphone Al Text - T - Speech trong lĩnh vực báo chí và truyền thông", "Các mô hình công nghệ mới giúp cải thiện hoạt động báo chí và kinh tế báo chí", "Ứng dụng AI trong truyền thông hiện đại"...

Trong khuôn khổ sự kiện, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Yeah1 đã cam kết đồng hành cùng báo chí trong tiến trình chuyển đổi số; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán công nghệ phải gắn với tìm ra các mô hình kinh tế mới cho báo chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.