Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm nợ bảo hiểm xã hội: Tiến hành biện pháp mạnh

Vũ Khánh| 19/11/2019 11:16

Đến hết tháng 10 - 2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) phải tính lãi trên địa bàn thành phố Hà Nội là 1.907,3 tỷ đồng, chiếm 4,4% kế hoạch thu. Tuy nhiên, công tác đôn đốc thu, giảm tỷ lệ nợ đóng BHXH đang gặp không ít khó khăn.

Trước tình hình đó, BHXH thành phố Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành nhiều biện pháp mạnh để thúc đẩy các đơn vị làm đúng nghĩa vụ đối với người lao động, thực hiện quy định của pháp luật về đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động.

 Trung tá Ngô Hoàng Hải, Đội trưởng đội 6 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố tại buổi làm việc với các doanh nghiệp nợ BHXH

BHXH thành phố Hà Nội cho biết, trong số các doanh nghiệp nợ BHXH có 500 doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài từ 6 đến 24 tháng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của 13.346 lao động với số tiền hơn 274 tỷ đồng. Đây đều là những doanh nghiệp có xu hướng gia tăng nợ theo thời gian do phát sinh lãi chậm đóng, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, tìm mọi cách lách luật để không tham gia BHXH, BHTN cho người lao động. Cũng có những đơn vị sử dụng lao động không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra; không phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu khi đoàn thanh tra đến làm việc; không chấp hành nộp tiền phạt theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành... 

Thời gian qua, cùng với sự phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra liên ngành do Thanh tra thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, BHXH thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 3.937 đơn vị sử dụng lao động với số tiền nợ 744 tỷ đồng, thu hồi được 538,9 tỷ đồng (đạt 72,4%), xử phạt vi phạm hành chính hành vi chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), BHTN 65 đơn vị, với số tiền phạt là 6,24 tỷ đồng.

BHXH thành phố cũng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp về việc có thể phải đối mặt với án phạt nghiêm khắc theo quy định của Bộ luật Hình sự. Mới đây, liên ngành BHXH thành phố, Công an thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố đã có buổi làm việc với 5 đơn vị sử dụng lao động có nợ lớn trước khi chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15-8-2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Nghị quyết nói trên hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Ước tính tổng số tiền 5 doanh nghiệp nói trên nợ BHXH là hơn 77 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm liền, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của hàng trăm lao động. Tính đến hết tháng 9-2019, Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng 121 - CIENCO1 nợ hơn 18,5 tỷ đồng. Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 có số nợ hơn 10 tỷ đồng. Công ty cổ phần Hoàng An nợ hơn 5,1 tỷ đồng. Điển hình, Công ty cổ phần LILAMA3 nợ tới gần 35 tỷ đồng; Công ty cổ phần LILAMA3.3 nợ gần 8,9 tỷ đồng.

Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hoà khẳng định: Các doanh nghiệp trên đã có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, các doanh nghiệp không nên đánh đồng việc nợ thuế với Nhà nước và nợ BHXH. Bởi, về tiền đóng BHXH, người lao động đã được doanh nghiệp trực tiếp thu và quản lý. Người lao động dành cả tuổi trẻ và sức lực để đóng góp cho doanh nghiệp. Khi về già hoặc ốm đau, họ cần được bảo đảm những quyền lợi chính đáng về BHXH, BHYT, BHTN...

BHXH thành phố Hà Nội đã nhận được nhiều đơn thư cá nhân, tập thể, lấy chữ ký của hàng trăm lao động khiếu nại, tố cáo doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH khiến quyền lợi chính đáng bị ảnh hưởng. Do vậy, BHXH thành phố đã củng cố hồ sơ 5 doanh nghiệp trên chuẩn bị chuyển sang cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội để xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, trước khi chuyển hồ sơ, liên ngành về thực hiện chính sách BHXH của thành phố quyết định làm việc lần cuối với các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, lắng nghe nguyện vọng và hướng giải quyết từ các doanh. Tại buổi làm việc, đại diện 5 doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh do bị thu hẹp, đầu tư thua lỗ, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo, chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bị phong toả hoá đơn, ảnh hưởng từ việc thực hiện cổ phần hoá, công ty "mẹ" bị khởi tố... 

Với quyết tâm giảm tỷ lệ nợ BHXH xuống còn dưới 2% so với số phải thu trong năm 2019, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, BHXH thành phố Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH có số nợ lớn, thời gian nợ dài trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời, kiên quyết chuyển hồ sơ các doanh nghiệp chây ỳ, nợ BHXH kéo dài nhiều năm qua sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý theo quy định của Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nợ bảo hiểm xã hội: Tiến hành biện pháp mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.