Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách ly xã hội: "Rào chắn" chặn dịch hiệu quả

Thu Trang| 15/04/2020 06:14

(HNM) - Hôm nay (15-4), Chính phủ sẽ họp bàn và đưa ra quyết định phương án phù hợp về cách ly xã hội trong thời gian tới. Kể từ 0h ngày 1-4 đến nay, sau 15 ngày thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc đã giúp giảm số ca mắc mới, mang lại những hiệu quả về ngăn dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Điều đó cho thấy, nếu thực hiện quyết liệt cách ly xã hội sẽ góp phần chặn được nguồn lây lan dịch bệnh.

Nhiều cửa hàng tại phố Tây Sơn (quận Đống Đa) tạm dừng kinh doanh, thực hiện nghiêm túc quy định cách ly xã hội. Ảnh: Lê Tuấn

Giải pháp kịp thời trong giai đoạn vàng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, kể từ khi triển khai thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, số ca mắc mới Covid-19 đang có xu hướng tăng nhanh theo ngày đã bị chặn đứng và đi ngang ở mức rất thấp. Tỷ lệ số ca mắc mới 10 ngày, sau khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đã giảm từ 82% xuống còn 25%. Cụ thể, ở thời điểm cuối tháng 3-2020, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 11 đến 15 ca mắc mới Covid-19, trong đó số ca lây nhiễm trong cộng đồng trung bình từ 5 đến 14 ca/ngày. Thế nhưng, từ ngày 4-4 đến nay, số ca mắc mới Covid-19 đã giảm liên tục, trung bình chỉ ghi nhận từ 1 đến 2 ca/ngày, chỉ có 2 ngày cao điểm ghi nhận từ 4 đến 5 ca/ngày.

Đánh giá về kết quả này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, 15 ngày giãn cách, cách ly xã hội chưa phải là nhiều. Thậm chí, có những nước còn thực hiện cả tháng, áp dụng gần như phong tỏa. Song, tùy tình hình dịch bệnh trên thực tế, mỗi quốc gia sẽ có những áp dụng phù hợp. Còn theo như thực tế minh chứng ở nước ta, giải pháp cách ly xã hội có thể coi là hiệu quả và thành công. “Chúng ta đã áp dụng biện pháp cách ly xã hội đúng thời điểm, không bỏ lỡ giai đoạn vàng. Nếu làm muộn, có thể dịch đã lan rộng, thậm chí bùng lên không dập được như ở một số nước”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 14-4, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những ngày qua, quyết định cách ly xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra đã giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, làm giảm số ca mắc mới và ngày càng làm cho “bức tranh” phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta sáng sủa hơn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đây mới chỉ là những thành quả bước đầu. Vì vậy, biện pháp này vẫn rất cần phải tiếp tục duy trì trong vòng vài tuần tới.

Qua thực tế phân tích dịch tễ học, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trong số các ca bệnh của Hà Nội, có tới 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua. Do đó, nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng, thì khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có thể phát hiện được 1/3 số ca mắc. Đây cũng chính là tính chất hết sức phức tạp của dịch bệnh mới này. Dù đến nay, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, nhưng ở giai đoạn này, dịch đã lây lan ra cộng đồng, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt là cách ly xã hội, thì việc duy trì thành quả là rất khó khăn.

Chỉ một bộ phận không thực hiện, dịch sẽ bùng lên 

Việc thực hiện cách ly xã hội ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Song, khi được hỏi, nhiều người vẫn đồng tình ủng hộ và cho rằng, biện pháp này là vô cùng cần thiết.

Nửa tháng nay, cửa hàng cắt tóc làm đẹp của chị Âu Thị Vân Khánh (ở ngõ 48, đường Ngô Gia Tự, phường Việt Hưng, quận Long Biên) phải đóng cửa, khiến gia đình chị mất đi nguồn thu nhập chủ yếu. Thế nhưng, chị Khánh cho rằng, tình hình dịch bệnh còn phức tạp và biện pháp cách ly xã hội là cần thiết vào thời điểm này. “Đâu phải mỗi mình khó khăn, mà cả thế giới khó khăn. Dù vậy, nếu mắc bệnh không chỉ bản thân mình khổ, gia đình mình khổ mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy khác nữa”, chị Âu Thị Vân Khánh chia sẻ.

Còn theo anh Phạm Khắc Tuấn (ở ngõ Quan Thổ 1, đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa), để bảo đảm an toàn, biện pháp cách ly xã hội cần tiếp tục được thực hiện. Kinh nghiệm nhìn nhận từ các nước trên thế giới cho thấy, chính sự chủ quan đã khiến nhiều quốc gia phải trả giá đắt. Chúng ta thà mất một tháng ngồi im một chỗ, còn hơn mất nhiều tháng, thậm chí là lâu hơn nữa, nếu dịch lây lan. Tuy nhiên, theo anh Tuấn, cùng với biện pháp cách ly xã hội, cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm những hành vi, như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, tụ tập đông người, không thực hiện các biện pháp phòng dịch…

Để biện pháp cách ly xã hội phát huy tối đa hiệu quả, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trách nhiệm của cá nhân là vô cùng quan trọng. Bởi, nếu một người dù chưa mắc bệnh, không chịu cách ly xã hội, thì người đó có thể bị lây bệnh từ người khác, rồi phát tán ra những người xung quanh. Do vậy, phải có sự tham gia của tổng thể, nếu chỉ một bộ phận người dân không thực hiện nghiêm, thì dịch sẽ bùng lên. “Sau ngày 15-4, dù có thể có thay đổi đối với việc cách ly xã hội, thì nước ta vẫn áp dụng 5 nguyên tắc chống dịch căn bản, đó là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Cùng với đó là các giải pháp, như: Không tụ tập đông người, giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, khử khuẩn môi trường… vẫn phải thực hiện nghiêm. Việc lây nhiễm Covid-19 chủ yếu trong phòng kín, khi tiếp xúc gần, qua các giọt bắn của người bệnh. Do đó, nếu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc sẽ bảo đảm an toàn cho vấn đề phòng bệnh”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách ly xã hội: "Rào chắn" chặn dịch hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.