Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội

Hà Hiền| 16/07/2020 06:53

(HNM) - Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… giảm. Trước thực trạng này, toàn ngành Bảo hiểm xã hội đã, đang nỗ lực vượt khó để góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Sụt giảm nhiều chỉ số

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm 30,8 triệu người trong độ tuổi lao động ở nước ta bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2020. Đáng lưu ý, trong tổng số 1,4 triệu lao động bị mất việc làm do dịch Covid-19, có tới gần 900.000 người thuộc các doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

“Người lao động trong các doanh nghiệp là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Khi doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động hoặc phải thu hẹp quy mô, đồng nghĩa với việc những doanh nghiệp này không đủ khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình đánh giá.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều chỉ số phát triển của ngành sụt giảm so với cuối năm 2019. Cụ thể, đến ngày 30-6, cả nước có gần 14,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm hơn 700.000 người; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 12,7 triệu người, giảm hơn 700.000 người; số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 85,5 triệu người, giảm hơn 400.000 người…

Dưới góc độ giám sát quá trình thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế là những yếu tố nền tảng của hệ thống an sinh xã hội. Vì thế, việc sụt giảm số người tham gia các chính sách này, dù đến từ yếu tố khách quan cũng là điều đáng lo ngại.

Về phía người lao động, chị Trần Thị Thanh Hà, tổ dân phố 20, phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cho hay: “Tôi bị mất việc làm tại một khách sạn tư nhân trên địa bàn quận Tây Hồ từ cuối tháng 3-2020, dù đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhưng chưa đủ thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc tạm dừng tham gia bảo hiểm xã hội khiến tôi lo lắng”.

Nỗ lực để hoàn thành mục tiêu

Năm 2020, ngành Bảo hiểm xã hội phấn đấu đạt mục tiêu có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tương ứng với khoảng 17 triệu người; hơn 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng khoảng 14 triệu người; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,9% dân số, tương ứng gần 87 triệu người…

Để đạt mục tiêu này, ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đề nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi chính sách tại các đơn vị, doanh nghiệp, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Từ kinh nghiệm thực hiện chính sách ở cấp cơ sở, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Chương Mỹ Trần Văn Hoan chỉ rõ, trong bối cảnh các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thì việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế với nhóm người lao động trong doanh nghiệp sẽ không dễ triển khai. Để tạo giá đỡ an sinh xã hội cho người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện là giải pháp trọng tâm của ngành Bảo hiểm xã hội, nhằm mở rộng đối tượng tham gia trong năm 2020. Chỉ sau 3 ngày ra quân tuyên truyền trên quy mô toàn quốc (từ ngày 11 đến 13-7), các cơ quan chức năng đã vận động được hơn 30.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, gần 60.000 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đôn đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình các doanh nghiệp hoạt động trở lại, kịp thời thông báo, đôn đốc doanh nghiệp đóng bù vào Quỹ Hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó; đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội đối với các lao động tuyển dụng mới thuộc diện tham gia, lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ không lương quay trở lại làm việc theo đúng quy định.

Cùng với đó, ngành Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đột xuất đối với đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.