Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội không tập trung đông quá 30 người

Hoàng Lân| 12/08/2020 18:59

(HNMO) - Chiều 12-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.

Quang cảnh cuộc họp.

Hơn 11.900 mẫu xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tuần qua ghi nhận thêm 8 ca mắc mới ngoài cộng đồng trong tổng số 30 ca mắc (trong đó có 22 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh).

Trong ngày 11-8, Hà Nội phát hiện một ca mắc mới là người dân của tỉnh Hải Dương đến khám bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn (đã có kết quả dương tính).

Bệnh nhân này có lịch trình di chuyển đến nhiều điểm của Hà Nội như khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn, đến nhà con gái tại CT3.13 Khu đấu giá 4H - 5H xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì và nhiều phòng khám tư... Hiện vẫn chưa xác định được yếu tố dịch tễ và nguồn lây (F0) của trường hợp này. Tuy nhiên, 11 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh này đã có kết quả âm tính.

Về các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Sở Y tế kiểm tra công tác lấy mẫu xét nghiệm những người từ Đà Nẵng về; phối hợp với Sở Du lịch kiểm tra công tác cách ly cho chuyên gia người nước ngoài tại Khách sạn Bình An 3.

Thành phố đã điều tra, xác minh được 504 trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh, đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, kết quả có 486 mẫu, trong đó có 485 mẫu âm tính, 1 mẫu dương tính. Tổng số F2 hiện nay là 2.824 người, đang cách ly tại nhà. Số người cách ly tập trung là hơn 1.600 người.

Về công tác xét nghiệm RT-PCR những người từ Đà Nẵng về, ông Hoàng Đức Hạnh thông tin, đã rà soát được 99.874 người, trong đó có 76.922 người trở về từ Đà Nẵng từ ngày 15-7 đến nay. Tính đến 15h ngày 12-8, đã lấy được 17.176 mẫu, đã có kết quả 11.937 mẫu, đều âm tính.

Ông Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết thêm, hiện nay việc xét nghiệm RT-PCR của những đối tượng này gặp khó khăn trong việc lấy mẫu. Tính đến 18h hôm nay, thành phố cũng tiếp nhận 207 trường hợp từ Đà Nẵng trở về, đã được cách ly tập trung tại Trường Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây).

Đánh giá về những nguy cơ, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, hiện có trường hợp chưa xác định được yếu tố dịch tễ, mặt khác cũng có khoảng 50% các trường hợp mắc không có triệu chứng lâm sàng làm tăng nguy cơ lây lan trong cộng đồng và có thể xuất hiện những ca nhiễm mới trong những ngày tới.

Đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm 

Liên quan đến ca mắc mới tại Hải Dương có lịch trình di chuyển đến Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, đã kịp thời truy vết được 15 trường hợp F1, 89 trường hợp F2. Huyện đang khẩn trương rà soát những người đến quán bia hơi Lộc Vừng từ 10h30 ngày 8-8.

Theo UBND huyện Phúc Thọ, trên địa bàn huyện vẫn ghi nhận 1 ca bệnh. Địa phương đã rà soát được 8 trường hợp F1, đã được lấy mẫu RT-PCR cho kết quả âm tính và thực hiện cách ly tập trung; 118 trường hợp F2 thực hiện cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

UBND huyện Hoài Đức cho biết, đã rà soát được 38 trường hợp F1, tất cả đều cho kết quả âm tính khi xét nghiệm RT-PCR; 251 trường hợp F2. 

Về vấn đề thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho các trường hợp đi từ Đà Nẵng về, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, đã xét nghiệm được 17.176 mẫu, trong đó có kết quả 11.973 mẫu âm tính. Hiện nay, việc lấy mẫu xét nghiệm gặp khó khăn vì việc sản xuất ống môi trường (sinh phẩm lấy mẫu) hạn chế. Đơn vị sản xuất ống môi trường này là Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nhưng đơn vị mới có năng lực cung cấp được 10.000 ống mẫu/ngày.

CDC Hà Nội đang làm việc với Viện Quân y, một số nhà cung cấp của Hàn Quốc, một số đơn vị tại thành phố Hồ Chí Minh... nhưng vẫn đang gặp không ít khó khăn về việc sản xuất. 

Ông Trương Quang Việt đề xuất, việc xét nghiệm RT-PCR cần phải làm nhanh, cố gắng đến nửa tuần sau hoàn thành việc xét nghiệm cho những người dân từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7, số chưa được xét nghiệm cần phải tự giác theo dõi sức khỏe y tế.

CDC Hà Nội đề nghị Bộ Y tế ưu tiên cung cấp các sinh phẩm cho Hà Nội để đẩy nhanh xét nghiệm, bảo đảm công tác phòng, chống dịch.

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đức Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng cho rằng, Hà Nội đang làm rất tốt việc khoanh vùng, dập dịch, cần làm tốt hơn nữa việc phát hiện. Hà Nội cần thực hiện xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định. Việc xét nghiệm không chỉ với các trường hợp F1 mà còn với các trường hợp sốt, ho, viêm phổi; cần đưa thành chính sách vấn đề khai báo y tế.

9 giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đánh giá, thời gian qua, các địa phương đơn vị đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Quyết liệt truy vết F1, F2; xét nghiệm các trường hợp từ Đà Nẵng về; vận động các đơn vị hỗ trợ công cụ xét nghiệm; tổ chức cách ly người nhập cảnh Việt Nam về nước; đón các trường hợp từ Đà Nẵng về.

Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục tăng cường năng lực khám, chữa bệnh, phân luồng tại các bệnh viện; tiếp tục tuyên truyền người dân trong việc phòng, chống dịch. Trong tuần qua, đã tổ chức cho gần 79.000 học sinh hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông...

Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí Ngô Văn Quý cho rằng, công tác phòng, chống dịch thời gian qua vẫn còn hạn chế, như: Người dân vẫn chủ quan, ra đường không đeo khẩu trang; công tác xét nghiệm những người từ Đà Nẵng về mới đạt được 1/7.

Dự báo về tình hình dịch trong thời gian tới, đồng chí Ngô Văn Quý nhấn mạnh, Hà Nội đã có ca thứ phát và có ca không rõ nguồn lây nên khả năng thời gian tới sẽ xuất hiện những ca bệnh mới. Hà Nội vẫn còn nhiều nguy cơ nếu không có giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Từ phân tích này, đồng chí Ngô Văn Quý đề nghị các địa phương, đơn vị thực hiện 9 giải pháp. Đó là:

Một là, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không lơ là chủ quan, không để dịch lây lan, bên cạnh đó là thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Hai là, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền người dân các biện pháp phòng, chống dịch: Đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng; không tập trung đông quá 30 người, giữ tối thiểu 1m khi tiếp xúc; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Karaoke, quán bar, vũ trường. Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xã, phường, thị trấn thành lập và duy trì tổ giám sát trong cộng đồng. Sở Y tế cần có hướng dẫn cụ thể để các quận, huyện, thị xã thực hiện nội dung này.

Ba là, Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, khoanh vùng, truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh; tổ chức lấy xét nghiệm RT-PCR cho những trường hợp đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15-7; những trường hợp sốt, ho, khó thở phải lập tức lấy xét nghiệm; tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh đúng quy trình.

Bốn là, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô quản lý. UBND các địa phương chủ trì chỉ đạo thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tại khách sạn.

Năm là, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép, thông tin không đúng sự thật, không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, vi phạm các biện pháp phòng,chống dịch.

Sáu là, Sở Công Thương rà soát các phương án dự phòng hàng hóa theo phương án phòng, chống dịch; tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bảy là, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các địa phương, các cơ quan thông tấn của Trung ương và Hà Nội tăng cường thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, minh bạch về diễn biến tình hình dịch và các biện pháp phòng ngừa của thành phố.

Tám là, các sở, ngành, đơn vị trực thuộc thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch được giao.

Chín là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch; tiếp tục vận động, hỗ trợ cho người dân khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội không tập trung đông quá 30 người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.