Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại

Dạ Khánh| 25/09/2020 07:09

(HNM) - Nhìn lại kết quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội; những bài học kinh nghiệm, mô hình hay; kiến nghị, đề xuất những giải pháp tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới là nội dung cuộc tọa đàm trực tuyến “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại”, do Báo Hànộimới phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội - cơ quan thường trực Chương trình 06-CTr/TU, tổ chức chiều 24-9. Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện thành phố Hà Nội.

Các đại biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại”. Ảnh: Quang Thái

Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, sạch đẹp

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau 5 năm triển khai, Chương trình 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020” đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp diện mạo Thủ đô ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Đây cũng là nhận định khách quan của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong dịp lấy ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội thời gian qua.

Thông tin về kết quả Chương trình 06-CTr/TU, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng khẳng định: Có 6/9 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành so với kế hoạch; trong đó 2 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là chương trình trồng 1 triệu cây xanh về đích năm 2018 (sớm 2 năm); chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn 78% (hoàn thành vượt mức đề ra là 50%).

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Ngô Mạnh Tuấn, Hà Nội đã tập trung huy động nhiều nguồn lực lớn đầu tư các dự án hạ tầng khung giao thông, góp phần tăng nhanh diện tích đất đô thị dành cho giao thông. Với mục tiêu xây dựng Thủ đô là thành phố đáng sống, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái chia sẻ, thành phố đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; đến tháng 6-2020 tiếp nhận thêm 24 trạm, giúp cảnh báo người dân về chất lượng không khí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Tiếp tục xây dựng Thủ đô phát triển bền vững

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại” vào chiều 24-9. Ảnh: Quang Thái

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chỉnh trang đô thị, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Sự tham gia rộng rãi của người dân và cộng đồng là điều kiện quan trọng nhất”. Lấy ví dụ về dự án cải tạo hồ Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long thông tin, quận đã tổ chức 3 hội thảo khoa học về môi trường, thủy lợi, kiến trúc và cảnh quan; 2 lần tổ chức lấy ý kiến cộng đồng để xây dựng thiết kế với sự tư vấn của cơ quan có kinh nghiệm...

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về những định hướng và giải pháp phát triển đô thị trong giai đoạn tới, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, với tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước, Thủ đô Hà Nội cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn như: Ùn tắc giao thông, úng ngập, quản lý trật tự xây dựng, bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn… Đây là những vấn đề cần tiếp tục có giải pháp phù hợp để giải quyết.    

Kiến nghị, đề xuất giải pháp, Tổ trưởng Tổ Công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc II (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội) Lã Hồng Sơn cho rằng, nhóm công việc rất bức thiết trên địa bàn Thủ đô cần được tháo gỡ là sớm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; cải tạo 29 khu chung cư cũ, kiểm soát vấn đề gia tăng áp lực cho nội đô… Về giải quyết ùn tắc giao thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết: Sở đã tham mưu UBND thành phố triển khai 2 đề án và các giải pháp nhằm phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn để thu hút người dân tham gia...

Phát biểu kết luận tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, trong vòng 3 giờ, độc giả và các vị khách mời đã trao đổi hơn 20 câu hỏi trong hàng trăm câu hỏi gửi đến chương trình. Nội dung trao đổi không chỉ giúp hiểu thêm những thay đổi đáng tự hào về diện mạo của Thủ đô, mà còn được thông tin về những mô hình hiệu quả, những bài học kinh nghiệm quý, những kiến nghị, đề xuất để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình 06-Ctr/TU trong thời gian tới.

“Tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, những vấn đề liên quan đến kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường sẽ tiếp tục là những nội dung quan trọng được thành phố xác định là nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Hy vọng rằng, những cách làm sáng tạo, giải pháp hữu ích được nêu tại tọa đàm sẽ đóng góp tích cực vào việc đề xuất những kế hoạch, mục tiêu, định hướng mang tính chiến lược nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội”, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long bày tỏ.

Lời cảm ơn

Cuộc tọa đàm trực tuyến “Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại” đã thành công tốt đẹp. Ban Tổ chức cuộc tọa đàm trân trọng cảm ơn sự tham gia của các sở, ngành, địa phương và đông đảo bạn đọc; đặc biệt là sự ủng hộ về vật chất của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank). Báo Hànộimới mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác trong thời gian tới.

Báo Hànộimới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay xây dựng Hà Nội văn minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.