Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo việc làm từ nguồn vốn vay ưu đãi

Minh Vũ| 14/11/2020 06:56

(HNM) - Nhằm tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV… có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, các cơ quan, đơn vị chức năng thành phố Hà Nội đã giúp họ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm. Có nguồn sinh kế để vươn lên, cuộc sống của nhiều người nhiễm HIV, của những gia đình có thành viên từng bước vào con đường lầm lỡ dần ổn định. Điều này được khẳng định, kiểm chứng rõ nét tại huyện Ba Vì.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì họp đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án cho vay vốn tạo việc làm trên địa bàn.

Thấy rõ hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Đ.T.H. thôn Chu Châu, xã Minh Châu (huyện Ba Vì) cho biết, năm 2014 chồng bà là ông N.D.V. không may bị nhiễm HIV. Khi phát hiện ra tình trạng của bản thân, ông V. mất phương hướng trong cuộc sống. Các thành viên khác trong gia đình cũng không biết phải đối diện với tương lai như thế nào.

Nhưng, thực tế cuộc sống của cả gia đình không bế tắc như bà H. lo lắng. Bởi, gia đình bà luôn nhận được sự động viên, chia sẻ, giúp đỡ kịp thời từ những người xung quanh. Nhờ uống thuốc điều trị đều đặn, hiện nay, sức khỏe của ông N.D.V. tương đối ổn định. Ngoài ra, được tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình bà Đ.T.H. có nguồn sinh kế để vươn lên.

“Qua hai lần được vay vốn, mỗi lần 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì để nuôi bò sinh sản, kinh tế gia đình tôi dần ổn định, phát triển. Hằng ngày, chồng tôi chăn nuôi đàn bò sinh sản gồm 4 con, còn tôi vừa làm nông nghiệp, vừa buôn bán nhỏ để tăng thu nhập cho gia đình”, bà H. nói.

Cùng ở xã Minh Châu, gia đình bà N.T.M. thôn Chu Chàng đã thoát khỏi cảnh nghèo sau khi được vay vốn ưu đãi dành cho hộ gia đình và người nhiễm HIV để chăn nuôi bò sinh sản.

Cũng nhờ các hội, đoàn thể hướng dẫn, tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi, ông N.T.T. thôn Chu Quyến, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) thuộc đối tượng người sau cai nghiện ma túy dần có cuộc sống ổn định. Dùng 30 triệu đồng vay ngân hàng để mua xe máy làm phương tiện vận chuyển hàng hóa, ông T. dần trở thành “tài xế” yêu nghề, yêu cuộc sống. Khi tích cóp được số vốn kha khá, ông T. chuyển sang buôn bán con giống... Nguồn vốn sinh sôi giúp gia đình ông T. xây dựng được nhà cửa khang trang. Vui hơn là ông T. đã từ bỏ được ma túy nhiều năm qua.

Thuộc đối tượng người bán dâm hoàn lương được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi, bà P.T.T. thôn Cao Nhang, thị trấn Tây Đằng đã từ bỏ hoàn toàn con đường từng lầm lỡ. Các thành viên trong gia đình tập trung làm ăn, sống vui vẻ, có ích.

Giám sát chặt chẽ nguồn vốn cho vay

Tạo điều kiện cho những người từng lầm lỡ, người nhiễm HIV… có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, trong những năm vừa qua, các cơ quan chức năng huyện Ba Vì đã tập trung thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Nguồn vốn này được triển khai thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì.

Thời gian đầu triển khai Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, cũng như nhiều địa phương khác, các cơ quan chức năng huyện Ba Vì gặp không ít khó khăn trong quá trình đưa nguồn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng. Nguyên nhân là muốn vay vốn, khách hàng phải chứng minh họ thuộc đối tượng đủ điều kiện vay, trong khi người sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương thường che giấu bản thân, còn người nhiễm HIV được quyền không công khai danh tính, tình trạng bệnh tật. Trong khi đó, mức cho vay trung bình khoảng 30 triệu đồng/cá nhân hoặc gia đình chưa đủ để triển khai kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, nên nhiều người không muốn vay. Ngoài ra, một số cơ quan, đoàn thể và chính đối tượng được vay còn e ngại, thiếu tin tưởng vào khả năng sử dụng hiệu quả nguồn vốn…

Song, hiểu rõ ý nghĩa nhân văn của chương trình cho vay vốn với nhóm khách hàng đặc biệt, hằng năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì phối hợp với các phòng chức năng của huyện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg đến đông đảo người dân qua nhiều kênh thông tin. Cùng với đó, các ngành, địa phương thường xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn của những cá nhân, gia đình đủ điều kiện được vay, làm căn cứ tham mưu để UBND huyện tiến hành phân bổ nguồn vốn cho phù hợp. Quá trình xét duyệt cho vay có sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan, bảo đảm nguồn vốn đến đúng người, đối tượng.

Sau khi giải quyết cho vay, cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì cùng đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của các hộ; đồng thời trao đổi, hướng dẫn cho các hộ cách thức làm ăn... Kiên trì áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trung bình mỗi năm huyện Ba Vì tạo điều kiện cho hàng chục hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương được tiếp cận, sử dụng nguồn tín dụng ưu đãi để tạo việc làm. Đáng ghi nhận hơn, 100% số hộ vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg trên địa bàn huyện Ba Vì có cuộc sống dần ổn định, phát triển, đủ khả năng trả lãi và gốc đúng hạn.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu tăng mức cho vay theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg từ 30 triệu đồng/hộ ở thời điểm hiện nay, lên mức 50 triệu đồng/hộ, hỗ trợ các cá nhân có thêm cơ hội việc làm, thu nhập, tái hòa nhập cộng đồng, giúp các gia đình từng bước ổn định cuộc sống. Đây cũng là giải pháp quan trọng để giảm tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sống lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo việc làm từ nguồn vốn vay ưu đãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.