Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng đất nước giàu đẹp hơn

Nhóm phóng viên| 22/01/2021 16:53

(HNMO) - Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII của Đảng), cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đánh giá rất cao tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Việc lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân… đã góp phần quan trọng để các văn kiện Đại hội có được những đánh giá khách quan, toàn diện, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng về những kết quả đạt được cũng như hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để từ đó đề ra phương hướng phát triển đất nước trong thời gian trước mắt, cũng như lâu dài.

PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội:
Việc của Đảng cũng là việc của dân

Những vấn đề quan trọng nhất để phát triển đất nước trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều đã được đưa ra xin ý kiến rộng rãi của các nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân khiến tôi hy vọng và tin tưởng vào chặng đường phát triển mới của đất nước. Bởi, qua đó cho thấy, Đảng ngày càng gần dân hơn với một tinh thần cầu thị, khi coi việc của Đảng cũng là việc của dân, để dân tham gia vào những công việc của Đảng vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Càng mở rộng dân chủ, càng gắn bó với nhân dân thì những mục tiêu mà đại hội đặt ra càng dễ thành công hơn. 

Có thể nói, nhờ mở rộng dân chủ, nắm bắt những yêu cầu bức thiết của đời sống mà Đảng như một tác nhân quan trọng đã tạo ra những đột phá chưa từng có trong sự phát triển đất nước. Sau 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được thành quả to lớn về kinh tế, xã hội. Đất nước ta có được vị thế như hôm nay có vai trò rất lớn của việc thực hành dân chủ. Với mục tiêu đến năm 2045, đất nước ta trở thành một nước phát triển theo hướng hiện đại, thì yêu cầu mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội càng trở nên cấp thiết hơn. Điều này đòi hỏi Đảng phải tiếp tục đổi mới để dân chủ xã hội ngày càng được nâng cao hơn, để nhân dân luôn vững tin vào Đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam:
Kỳ vọng vào sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Giai đoạn 2015-2020, nhất là trong năm 2020, dù nền kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song công tác giáo dục và đào tạo vẫn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm với quan điểm coi đây là quốc sách hàng đầu. Chúng tôi rất tự hào khi giáo dục Việt Nam đã tạo được dấu ấn khá đậm nét trong khu vực ASEAN và thế giới, như: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, đứng thứ hai trong khu vực ASEAN; tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu khối ASEAN; năng lực tiếng Anh của học sinh lứa tuổi 15 ở mức khá cao, tương đương trình độ B1 của học sinh ở nhiều nước phát triển; cả nước có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới, 7 cơ sở lọt vào nhóm những trường hàng đầu châu Á...

Tôi kỳ vọng vào sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới và mong rằng, tại Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu tập trung trí tuệ, đề ra mục tiêu, xác định các giải pháp cụ thể, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.

Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, gắn với đổi mới cơ chế để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn mới. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả của nền giáo dục công bằng, được phát triển toàn diện; chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Tiến sĩ Cao Văn Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi:
Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với phát huy vai trò chủ thể của nông dân

Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội lần này, bởi qua mỗi nhiệm kỳ Đại hội đều đánh dấu những bước phát triển mới của đất nước. Thực tế, sau 35 năm đổi mới, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, góp phần tăng  năng suất, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân.

Do vậy, tôi kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, thúc đẩy sự tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất; có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp, đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn.

Việc Đảng ta phát huy dân chủ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ góp phần huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn, cùng với các nguồn lực khác để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, tiếp tục nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn văn minh.

Thạc sĩ Bùi Thị Phương Liên, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (thành phố Hà Nội):
Tin tưởng Đại hội sẽ lựa chọn được cán bộ lãnh đạo có đủ tâm, tầm và tài

Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm đặc biệt khi thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đồng thời là thời điểm khởi đầu một thập kỷ mới tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Cùng với những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, trong đó yếu tố quyết định là ở công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là gốc của công việc. Muôn việc thành hay bại cũng là nhờ cán bộ tốt hay xấu”. Kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng trong nhiệm kỳ vừa qua đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc làm trong sạch bộ máy, xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và trọng trách nhân dân giao phó. 

Cùng với nhân dân cả nước, cũng như các đảng viên, tôi nhận thấy việc lấy ý kiến các nhà trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng là nhằm phát huy dân chủ, huy động tối đa trí tuệ, nguồn lực để định hướng phát triển đất nước. Và tôi tin tưởng chắc chắn, Đại hội sẽ lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ tâm, tầm và tài để gánh vác trọng trách chèo lái con thuyền đất nước đạt được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng đất nước giàu đẹp hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.