Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống cháy, nổ tại nhà ống để ở kết hợp kinh doanh: Trách nhiệm từ nhiều phía

Mai Hữu| 08/04/2021 06:00

(HNM) - Vụ hỏa hoạn khiến 4 người thiệt mạng tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) vào rạng sáng 4-4 có thể nói là vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong vài năm trở lại đây đối với loại hình nhà ống kết hợp vừa ở, vừa kinh doanh. Thực tế, đây là loại hình nhà ở có nguy cơ thiệt hại lớn khi cháy, nổ và muốn giảm thiểu tình trạng này cần sự chung tay, phát huy trách nhiệm từ cả người dân và cơ quan quản lý...

Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 500 nghìn nhà ống, trong đó hơn 120 nghìn nhà kết hợp là nơi ở và kinh doanh. Trong ảnh: Nhà ống liền sát nhau trên đường Quang Trung (quận Hà Đông). Ảnh: Hoàng Lê

500 nghìn nhà ống có nguy cơ cao về cháy, nổ

Gần như tại bất kỳ đường phố nào ở Hà Nội, nhất là nội thành, cũng có thể bắt gặp loại hình nhà ở có kiến trúc theo dạng ống. Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 500 nghìn nhà ống trên địa bàn thành phố đang thiếu lối thoát hiểm, có nguy cơ cao về cháy, nổ.

Trung tá Tô Hồng Nho, Phó Trưởng Công an huyện Sóc Sơn cho biết, khi xảy ra cháy ở nhà ống, khói, khí độc rất dễ lan nhanh theo trục đứng lên các tầng trên. Do lo ngại bị trộm cắp đột nhập nên khi xây dựng nhà, người dân thường thi công kín; trên tầng tum, sân thượng rào bằng song sắt (còn gọi là ''chuồng cọp'') nên không có lối thoát hiểm. “Với nhà được thiết kế như vậy, lực lượng cứu nạn, cứu hộ khó tiếp cận để ứng cứu dù vị trí ở mặt đường lớn”, Trung tá Tô Hồng Nho đánh giá.

Đáng lưu ý, trong khoảng 500 nghìn nhà ống nói trên, có tới hơn 120 nghìn nhà vừa là nơi ở, vừa kinh doanh, khiến nguy cơ cháy, nổ cao hơn rất nhiều. Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) phân tích, cũng giống như nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, hàng hóa bày bán trong nhà ở kết hợp kinh doanh thường bố trí ở tầng 1, các tầng còn lại dùng làm nơi chứa hàng và sinh hoạt của gia đình. Do đó, khi xảy ra cháy, lửa lan nhanh, khói, khí độc sản sinh nhiều hơn.

Chị Nguyễn Ánh Tuyết, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cưới hỏi trên đường Quang Trung (phường Quang Trung, quận Hà Đông) chia sẻ, mặc dù biết nguy hiểm nhưng không có điều kiện thuê nơi khác làm kho nên chị phải tận dụng tối đa những khoảng trống trong nhà để bày hàng hóa.

Theo dõi thông tin về một số vụ cháy nghiêm trọng gần đây, anh Trần Văn Viện (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) cũng bày tỏ lo lắng khi phố Đê La Thành nơi gia đình anh sinh sống có rất nhiều nhà ống kết hợp làm nơi buôn bán đồ gỗ. “Nhà cửa trong khu dân cư san sát nhau, nếu xảy ra cháy thì nguy cơ cháy lan rất cao”, anh Viện phản ánh.

“Nhiều chủ nhân của cơ sở nhà ống kết hợp kinh doanh chủ quan khi sử dụng nguồn nhiệt, nguồn điện; không trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy, dụng cụ, phương án thoát hiểm nên khi xảy ra sự cố rất khó cứu chữa ban đầu và thoát nạn”, Đại úy Đỗ Tuấn Anh nói.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 5% các loại hình cơ sở xảy ra cháy trên địa bàn thành phố trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên, thiệt hại ở các vụ cháy tại nhà ống kết hợp làm nơi kinh doanh rất nghiêm trọng, chiếm phần lớn thiệt hại về người.

Công an phường Cát Linh (quận Đống Đa) phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống cháy, nổ tới một hộ kinh doanh trên địa bàn.

Nâng cao trách nhiệm phòng ngừa

Nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy đã quy định, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chuyển về cấp xã quản lý phòng cháy, chữa cháy.

Theo Công an thành phố Hà Nội, đến đầu tháng 4-2021, 30/30 quận, huyện, thị xã đã thực hiện xong việc bàn giao 85.812 cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. “Thực tế, cấp phường, xã, thị trấn nắm rõ địa bàn nên việc quản lý các cơ sở này sẽ thuận lợi hơn”, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn nhận định.

Thực hiện chủ trương này, Chủ tịch UBND phường Giảng Võ (quận Ba Đình) Nguyễn Ngọc Chiến cho biết, sau khi nhận bàn giao các cơ sở, UBND phường đã giao công an phường thực hiện tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các chủ cơ sở; đồng thời tiếp tục phối hợp điều tra lập danh sách các cơ sở để đưa vào danh mục quản lý.

Ngoài ra, theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), đơn vị đã tổ chức hơn 30 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho hơn 3.000 cảnh sát khu vực, công an xã và gần 6.000 công an xã bán chuyên trách trên địa bàn thành phố.        

Cùng với việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, người dân, chủ cơ sở có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cần nâng cao trách nhiệm trong phòng ngừa cháy, nổ. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy nhấn mạnh, người dân cần trang bị kiến thức, cách chữa cháy đối với hộ gia đình; dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy cơ bản. Với nhà ống, bên cạnh việc gia cố lồng sắt để phòng trộm, các hộ dân cần tạo cửa thoát hiểm có khóa; thường xuyên kiểm tra ổ khóa; chìa khóa để ở nơi quy ước. Với các hộ liền kề như khu anh Trần Văn Viện (phường Ô Chợ Dừa) có thể tự thành lập tổ liên gia chữa cháy để ứng cứu nhau khi có hỏa hoạn...

“Người dân cũng cần giả định các tình huống cháy, nổ trong nhà, từ đó có phương án để khi xảy ra sự cố thì chủ động được cách xử lý, thoát nạn”, Đại tá Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống cháy, nổ tại nhà ống để ở kết hợp kinh doanh: Trách nhiệm từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.