Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Hương Ly| 23/05/2019 07:42

(HNM) - Qua hơn 7 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”, nhiều bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ thực tiễn.

Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây), một trong những doanh nghiệp tư nhân có tổ chức Đảng và các đoàn thể thành lập sớm. Ảnh: Nhật Nam


Trong đó, việc cấp ủy, chính quyền các cấp luôn bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nhân trong cả công tác xây dựng, phát triển Đảng cũng như sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quan trọng.

Thiết thực hỗ trợ, củng cố niềm tin

Đầu năm 2019, Chi bộ Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kính Vinaconex (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) được thành lập với 9 đảng viên. Bí thư chi bộ Nguyễn Xuân Thu cho biết, các đảng viên tại doanh nghiệp đã được sinh hoạt dưới “mái nhà chung”, không còn tình trạng sinh hoạt ghép. Sau khi chi bộ đi vào hoạt động, các đảng viên đều chung một quyết tâm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng ban lãnh đạo công ty đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kính Vinaconex Nguyễn Trọng Tấn, tổ chức Đảng tiên phong, gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn là động lực giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Để có sự đồng thuận cao từ chủ doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, Quận ủy Nam Từ Liêm đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là bám sát cơ sở, lắng nghe nguyện vọng và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, để doanh nghiệp thấy rõ được vai trò, hiệu quả của việc phát triển cơ sở Đảng.

Phó Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Nam Từ Liêm Đỗ Thiện Đức thông tin: Quận hiện có hơn 8.500 doanh nghiệp hoạt động. Hầu hết chủ doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về mục đích của việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể. Trước thực tế này, Quận ủy đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Chi cục Thuế quận… thường xuyên tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho doanh nghiệp.

Phó Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Minh cho biết, hằng quý, quận đều tổ chức giao ban, chỉ rõ những đơn vị còn “đủng đỉnh”, hiệu quả thấp, yêu cầu vào cuộc quyết liệt hơn. “Phát triển các tổ chức cơ sở Đảng không chỉ là thành lập, kết nạp mới đảng viên cho đủ chỉ tiêu, mà phải duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ. Quận ủy cũng xác định không “khoán trắng” cho Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận mà Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy phải cùng tích cực tuyên truyền, vận động, trực tiếp theo dõi, bồi dưỡng từng chi bộ”, đồng chí Nguyễn Thanh Minh cho biết.

Kết quả, liên tục từ năm 2014, Nam Từ Liêm luôn là lá cờ đầu của Hà Nội trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển Đảng và đoàn thể tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. 5 năm qua, quận đã thành lập mới 44 tổ chức Đảng, kết nạp 295 đảng viên, nâng tổng số tổ chức Đảng khu vực này lên 74 và 729 đảng viên. Đặc biệt, các doanh nghiệp tại quận Nam Từ Liêm sau khi có tổ chức Đảng, đoàn thể đều hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.

Sâu sát cơ sở, bí quyết thành công

Tính đến đầu năm 2018, trên địa bàn quận Đống Đa có tới hơn 10.000 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Với số doanh nghiệp lớn nên theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước quận Đống Đa Đỗ Văn Hương, Thường trực Quận ủy và Ban Chỉ đạo đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền tới các doanh nghiệp tư nhân… có đủ điều kiện để thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể.

“Căn cứ vào số lượng người lao động, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Thường trực Quận ủy và Ban Chỉ đạo quận đã cùng Đảng ủy các phường rà soát, đăng ký chỉ tiêu thành lập mới tổ chức Đảng. Từ đó phát hiện, bồi dưỡng các quần chúng ưu tú, tạo nguồn kết nạp, phát triển đảng viên mới tại doanh nghiệp”, đồng chí Đỗ Văn Hương chia sẻ.

Cũng theo đồng chí Đỗ Văn Hương, nhờ các cấp ủy Đảng luôn bám sát cơ sở, nắm vững thực tế về số lượng, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, các chi bộ Đảng tại doanh nghiệp tư nhân đều được đánh giá là tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Còn Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Văn Xuân phản ánh, thành lập tổ chức Đảng tại doanh nghiệp tư nhân là vấn đề khó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể. Quá trình tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thường kéo dài nhiều tháng có khi mất cả năm.

Vì vậy, cần sâu sát, nắm bắt cơ sở; kịp thời tháo gỡ vướng mắc; khi cấp ủy, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, việc thành lập chi bộ Đảng tại doanh nghiệp mới vượt qua được những rào cản và đạt hiệu quả.

Đánh giá về bài học kinh nghiệm sau 7 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU,Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, địa phương nào cán bộ nhiệt tình với công tác xây dựng Đảng, sâu sát cơ sở thì kết quả phát triển cơ sở Đảng tại doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt được rất tốt. Ngược lại nếu cán bộ làm công tác Đảng tại doanh nghiệp còn chưa thông thì việc xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng sẽ vô cùng khó khăn.

Hơn hết, kết quả đạt được sau hơn 7 năm triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU không chỉ khẳng định vai trò tiên phong, sáng tạo của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong việc triển khai nghị quyết, chỉ thị của Trung ương mà còn giúp gây dựng thành công những chi bộ Đảng vững mạnh, hỗ trợ đắc lực, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Kết quả này cũng góp phần tổng kết cả lý luận và thực tiễn, giúp việc triển khai Chỉ thị số 33-CT/TƯ ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân” thành công trên phạm vi cả nước.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.