Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tạo sự bứt phá

Võ Lâm - Khánh Ly| 30/07/2019 07:31

(HNM) - Cán bộ, đảng viên ở cấp cơ sở nêu gương đã được nhân dân ủng hộ, làm theo thì việc nêu gương của cán bộ ở cấp cao hơn có tầm ảnh hưởng, lan tỏa, hiệu quả cũng lớn hơn nhiều.

Những năm qua, Thành ủy Hà Nội và các cấp ủy Đảng thành phố luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Nhiều lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo ra động lực phát triển bứt phá.

Chuyện từ những đơn vị dẫn đầu

10 năm gắn bó với phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương từ lúc là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (năm 2009), rồi Bí thư Huyện ủy (từ tháng 4-2014 đến nay), Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng không chỉ bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn thể hiện quyết tâm, sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, qua đó truyền cảm hứng cho cấp dưới và nhân dân. Coi xây dựng nông thôn mới như cuộc cách mạng, đồng chí cùng Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai bài bản từ khâu ban hành nghị quyết, rồi trực tiếp bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Mỗi khi nói tới Đan Phượng là người ta nhắc tới những khẩu hiệu đã trở thành nét đặc sắc riêng. Đó là “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân ủng hộ”; “3 tập trung”, “4 trụ cột”, “5 điểm nhấn”. Tác giả của những khẩu hiệu ấy chính là Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng. Khi hỏi về điều này, đồng chí khiêm tốn nói rằng nhờ lắng nghe dân và cán bộ cơ sở rồi đúc kết mà thành.

“Nghe những khẩu hiệu này thành quen, chúng tôi hiểu nông thôn mới từng giai đoạn là làm cái gì. Từ đó có thể tham gia cùng huyện, xã”, bà Nguyễn Thị An (ở xã Song Phượng) nói. Còn Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt chia sẻ, những câu đúc kết ngắn gọn, dễ thuộc ấy như kim chỉ nam cho quá trình xây dựng nông thôn mới suốt 10 năm nay của huyện. “Nhờ có những khẩu hiệu này, cán bộ chúng tôi nhận thức rất sâu về nhiệm vụ”, ông Đạt nói.

Sự gương mẫu của người đứng đầu huyện đã lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Kim Cúc cho biết: “Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, mỗi khi triển khai nhiệm vụ gì, chúng tôi quán triệt là phải bàn từ trong Đảng bàn ra, lấy gia đình đảng viên là nòng cốt”. Nhờ cách làm đó, xã Đan Phượng có những bước tiến vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới. Còn huyện Đan Phượng tiếp tục là đơn vị tiêu biểu, phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Có nhiều điểm tương đồng trong cách làm với Đan Phượng, xuyên suốt hơn 15 năm phát triển kể từ ngày thành lập quận đến nay, Long Biên đã có nhiều tấm gương người đứng đầu cấp ủy, chính quyền năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Là người bám sát hoạt động của quận từ ngày đầu thành lập, ông Lê Đình Ân (Khu tập thể Diêm Gỗ, phường Đức Giang) nhận định: “Ở đâu cũng vậy, "tướng tài" bao giờ cũng rất quan trọng. Từ thời đồng chí Trần Văn Thanh, Vũ Đức Bảo, rồi đến nay là đồng chí Đỗ Mạnh Hải làm Bí thư Quận ủy đều thể hiện rõ vai trò của mình, cùng tập thể lãnh đạo quận đưa Long Biên phát triển vững chắc”.

Không chỉ có “tướng tài” gương mẫu, cái hay của Long Biên là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy trách nhiệm nêu gương của từng vị trí công việc, nhất là vai trò người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Nêu gương sâu sát cơ sở, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận hằng tuần xuống kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở, thậm chí còn tham gia dọn vệ sinh cùng người dân.

Phát huy vai trò tiền phong của cán bộ, đảng viên, quận Long Biên triển khai công tác gặp nhiều thuận lợi, được dân tin tưởng, đồng thuận. 15 năm qua, quận có bước tiến vượt bậc trên mọi mặt với những thành tích nổi trội, hiếm có: 8 lần nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hà Nội; 5 lần nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ; 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Ba.

Sức mạnh tinh thần trách nhiệm

Câu chuyện ở Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông với người “thuyền trưởng” Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng cũng gây ấn tượng không kém. Với trách nhiệm người đứng đầu, ông Nguyễn Đoàn Thăng đã nêu gương vực dậy một doanh nghiệp từng gặp nhiều khó khăn.

Tiếp nhận vị trí “thuyền trưởng” của Rạng Đông trong bối cảnh nhà máy bên bờ vực phá sản, việc làm của 1.600 công nhân bấp bênh, dây chuyền sản xuất có nguy cơ phải đem gán nợ, ông Nguyễn Đoàn Thăng đã khéo vận dụng vai trò lãnh đạo, gương mẫu của cấp ủy Đảng, đảng viên; huy động sức mạnh tổng hợp của cả công ty đồng lòng đổi mới từng khâu, từng mắt xích. Cá nhân ông luôn làm mực thước cho công nhân noi theo, tận tâm, tận lực, say mê miệt mài với công việc. Quản đốc Xưởng LED - Điện tử và thiết bị chiếu sáng Nguyễn Hoàng Kiên nhớ lại: “Chính sự tận tâm, gương mẫu của đồng chí Thăng đã khiến chúng tôi phải “soi” vào mà sống, thôi thúc chúng tôi cố gắng hết sức để vượt qua khó khăn.

Đồng chí đã tập hợp được các nhà khoa học tham gia vào đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh và đánh bật hàng nhập khẩu cùng chủng loại”… Từ bên "bờ vực", Rạng Đông đã từng bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ. Doanh thu, nộp ngân sách, lợi nhuận và thu nhập của người lao động tăng trưởng nhanh, liên tục. Năm 2018, chỉ tính riêng loại đèn LED, công ty đã bán được 32,9 triệu sản phẩm, đạt doanh thu 2.211 tỷ đồng, gấp 1.500 lần năm 2010.

Thực tế đã chứng minh, trách nhiệm nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu không chỉ tạo ra sự phát triển bứt phá cho những địa phương như Đan Phượng, Long Biên, mà có thể giúp nhiều tập thể chuyển bại thành thắng như ở Rạng Đông.

Chia sẻ kinh nghiệm phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho biết, cá nhân cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương; nhưng cấp ủy, chính quyền phải định hướng để cán bộ, đảng viên thực hiện tốt trách nhiệm đó. Không chỉ vậy, quận vừa tạo môi trường để cán bộ, đảng viên tự giác nêu gương, vừa xây dựng cơ chế trước hết là người đứng đầu phải nêu gương. Hằng năm, cán bộ lãnh đạo từ cấp trưởng phòng trở lên phải công bố công khai kế hoạch tu dưỡng theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, quận Long Biên kiên quyết không bổ nhiệm lại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, địa phương nơi phụ trách còn yếu kém; chấm dứt việc đưa cán bộ có khuyết điểm ở cấp phường lên công tác ở cấp quận. Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy phường Thượng Thanh Phạm Thị Minh Hồng cho biết, mấu chốt thành công của quận Long Biên trong những năm qua là “Tất cả việc gì đều quy về trách nhiệm người đứng đầu. Việc của chính quyền nhưng bí thư cấp ủy cũng phải cộng đồng trách nhiệm”.

Phân tích kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho rằng: “Chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn từ Trung ương, thành phố và huyện xuống như nhau, nhưng có xã làm được, xã thì không. Có xã khó khăn thì thành công, nhưng cũng có xã dù điều kiện rất thuận lợi lại không làm được. Vấn đề chủ yếu là ở trách nhiệm thực thi. Cán bộ có ý thức trách nhiệm sẽ nỗ lực tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn”.

Còn Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng chia sẻ “nguyên lý” nêu gương của bản thân, đó là: “Bắt tay vào việc mỗi ngày, mình chỉ tâm niệm phải có trách nhiệm hơn đối với tập thể”.

Sức mạnh nêu gương đơn giản ở chỗ chỉ đòi hỏi ở hai từ: Trách nhiệm. Sự mạnh yếu của địa phương, cơ quan, đơn vị, xét cho cùng cũng phụ thuộc hai từ trách nhiệm của người cán bộ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tạo sự bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.