Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mọi vị trí công tác đều phải thật chuyên nghiệp

Minh Nguyệt| 09/05/2022 06:29

(HNM) - 1. Tính chuyên nghiệp là một trong những thước đo đánh giá trong công việc của con người; được thể hiện qua tài năng, kiến thức, sự liêm chính, đạo đức nghề nghiệp, phong cách làm việc cá nhân, tinh thần trách nhiệm và khả năng quán xuyến phần việc được phân công.

Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, yêu cầu về tính chuyên nghiệp được đặt ra ngày càng cao; được nêu cụ thể trong các văn kiện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và là một giải pháp cần thiết để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, đề cập đến nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) xác định rõ một trong những yếu tố rất mới là tính chuyên nghiệp của cán bộ. Kết luận nêu rõ: “Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm, "đúng vai, thuộc bài", thật sự chuyên nghiệp...”.

Việc Trung ương đặt ra yêu cầu về tính chuyên nghiệp đối với cán bộ không chỉ đúng, trúng, mà còn rất cấp thiết. Bởi vì, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định; song, còn không ít người, cụ thể là trong các cơ quan hành chính còn thiếu tính chuyên nghiệp. Đúng như nhận định trong Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, năng lực chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp...

Thực tế không thiếu những dẫn chứng cụ thể cho nhận định này. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc chưa có kế hoạch hợp lý; tinh thần trách nhiệm chưa cao, thậm chí một số người thiếu trách nhiệm, chưa chuyên tâm đối với công việc được giao; chưa tích cực chủ động học hỏi, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; thiếu độc lập, tự chủ và tinh thần hợp tác trong công việc; thiếu ý thức tổ chức kỷ luật... còn phổ biến. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, có thái độ “cửa quyền”, nhũng nhiễu khi tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp còn xảy ra ở không ít nơi. Cá biệt có những cán bộ khi giao tiếp với người dân còn quát tháo, gác chân lên bàn, thậm chí gây gổ, đánh nhau... Nhiều vụ việc được người dân ghi lại, đưa lên mạng xã hội đã tạo thành dư luận xấu, ảnh hưởng chung tới hình ảnh của đội ngũ cán bộ.

Tại Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã không ít lần chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi thiếu chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức như trường hợp một cán bộ công an đi du lịch gây gổ với nhân viên sân bay; một lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19...

2. Từ yêu cầu đặt ra như vậy, để cán bộ trong hệ thống chính trị dù ở vị trí nào cũng phải thật sự chuyên nghiệp, đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong công tác cán bộ; triển khai tổ chức thực hiện những giải pháp căn cơ, bài bản.

Tại Hà Nội, với các văn bản, quy định, quy trình đã triển khai, đang tổ chức thực hiện, có thể nói, thành phố đang có đầy đủ các giải pháp cần thiết, đồng bộ và khá toàn diện để xây dựng và phát triển tính chuyên nghiệp trong đội ngũ cán bộ.

Trước hết, trong Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”, Thành ủy Hà Nội đã chỉ rõ yêu cầu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy khoa học, đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; được bố trí đúng vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh”. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới…

Để hình thành nếp làm việc chuyên nghiệp, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng hệ thống quy chế, quy trình làm việc, phối hợp công tác chặt chẽ, đồng bộ; đã hoàn thiện quy trình, cách thức, “số hóa” công tác đánh giá cán bộ hằng tháng gắn với xây dựng kế hoạch công tác hằng ngày, hằng tuần; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ bằng cách tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, tăng cường sự giám sát của người dân; có đề án đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đào tạo cán bộ theo chức danh; đổi mới thi tuyển cán bộ, công chức; xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến...

Tính chuyên nghiệp bàn ở đây gắn với con người cán bộ, xét cho cùng vẫn là mỗi cá nhân. Do vậy,  để nâng cao tính chuyên nghiệp, bên cạnh quyết tâm thực hiện của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, điều quan trọng có tính mấu chốt nhất vẫn phải là nhận thức và hành động của mỗi người.

Khi người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực sự mong muốn, khát khao trở nên chuyên nghiệp chắc chắn nguồn động lực, con đường cho thành công cũng sẽ xuất hiện. Đó cũng là cách thức góp phần thực hiện tốt việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, từng bước đạt mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mọi vị trí công tác đều phải thật chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.