Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể xem nhẹ biểu hiện sa sút ý chí phấn đấu

Theo PHÚC NỘI/QĐND| 14/01/2019 18:39

Trên phông khánh tiết trong lễ kết nạp đảng viên, một trong hai câu khẩu hiệu luôn được treo trang trọng là “Suốt đời phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng cộng sản”...


Một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị


Nói tới vai trò của ý chí, từ xưa đến nay đã có nhiều câu đúc kết về một trong những yếu tố quan trọng làm nên tư cách và thành công của mỗi con người. Ví như: “Có chí thì nên”, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”, “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”… Bác Hồ cũng có 4 câu thơ nổi tiếng căn dặn các thế hệ thanh niên Việt Nam: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của ý chí, phần đông cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) luôn phát huy vai trò tiên phong của người chiến sĩ cách mạng, có tinh thần xông pha, ý thức vượt khó, động cơ phấn đấu tích cực, dốc lòng dốc sức với công việc được giao. Nhờ có đội ngũ CB, ĐV giữ vững bản lĩnh, ý chí phấn đấu tốt và tận tâm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đảng ta luôn giữ vững vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.

Bên cạnh những tấm gương CB, ĐV thường xuyên nuôi dưỡng và thể hiện chí tiến thủ, thời gian qua cũng xuất hiện một bộ phận CB, ĐV “sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”- một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra. 


Sự sa sút ý chí phấn đấu của một bộ phận CB, ĐV biểu hiện dưới nhiều vẻ. Đó là thái độ ngại việc khó, dễ làm khó bỏ, né tránh đến công tác ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, đi lại vất vả. Có những người thời gian đầu mới được kết nạp Đảng, mới được bầu vào cấp ủy, mới được bổ nhiệm chức vụ thì luôn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc chung, làm việc vì lợi ích chung; nhưng thời gian về sau, nhất là thời điểm cuối nhiệm kỳ, sắp đến tuổi nghỉ hưu thì làm việc cầm chừng, thậm chí được chăng hay chớ. Có những đảng viên nhiều năm giữ một cương vị, không được điều động sang vị trí khác hay bổ nhiệm cương vị cao hơn thì nảy sinh tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc thiếu nhiệt huyết, không say mê nghiên cứu, học tập, suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để thúc đẩy, bứt phá công việc đi lên, thậm chí an phận thủ thường, mũ ni che tai, ai nói gì cũng… mặc kệ! Sự sa sút ý chí phấn đấu của một bộ phận CB, ĐV còn biểu hiện ở việc không thường xuyên tự tu dưỡng, tự rèn luyện, tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, không tự quản lý, kiểm soát được bản thân, từ đó bị “lóa mắt” trước sự quyến rũ, mê hoặc ghê gớm của tiền tài, vật chất, quyền lực rồi dẫn đến tha hóa, biến chất. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2014 đến tháng 6-2018, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hơn 58.100 đảng viên vi phạm, trong đó có hàng nghìn đảng viên sa sút ý chí phấn đấu, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thực tế cho thấy, CB, ĐV sa sút ý chí phấn đấu không chỉ khiến họ “giậm chân tại chỗ”, thậm chí tụt hậu, thoái hóa, mà còn ảnh hưởng đến tổ chức đảng và tập thể nơi họ công tác. Vì những con người này vô hình trung thủ tiêu động lực phấn đấu của chính mình, làm chùng bầu không khí thi đua của tập thể và tác động không thuận đến việc thực hiện kết quả, mục tiêu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Không những vậy, việc sa sút ý chí trong rèn luyện, tu dưỡng đã khiến đảng viên dễ rơi vào tình trạng vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật công vụ, ảnh hưởng không tốt đến chiều hướng phát triển lành mạnh của tổ chức, tập thể.

Cán bộ, đảng viên cần bền bỉ duy trì ý chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện suốt đời


Là một trong những mặt năng động, tích cực nhất của ý thức, ý chí biểu hiện ở thái độ, tinh thần, năng lực thực hiện những hành động có chủ đích, bất chấp mọi khó khăn, đạp bằng mọi chông gai, kiên trì, bền bỉ làm việc đến nơi đến chốn để giành thành quả tốt đẹp. Nói đến đảng viên, không thể không nói đến ý chí, vì đây không chỉ là một thuộc tính làm nên giá trị nhân cách, mà còn là một trong những động lực thôi thúc đảng viên phấn đấu vươn lên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ.

“Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Hàm ý câu danh ngôn khuyên nhủ, nhắc nhớ con người muốn đạt được thành tích, kết quả khả quan và hướng tới những mục tiêu tốt đẹp, thì không thể không có ý chí vượt khó, ý thức vươn lên, tìm tòi sáng tạo trong cuộc sống và công tác. Đối với CB, ĐV thì càng phải thường xuyên rèn luyện, bồi đắp và nâng cao ý chí để làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Bởi sức cuốn hút, thuyết phục, cảm hóa quần chúng của đảng viên không ở đâu xa, mà nhiều khi thể hiện ở tấm gương bền bỉ nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của mình. Đảng viên có chí phấn đấu tốt mới là tấm gương lôi cuốn quần chúng học tập, noi theo. Đảng viên có chức vụ càng cao, càng phải tự giác nêu gương về tinh thần, ý chí phấn đấu để góp phần nhân lên, lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống.

Để có chí tiến thủ, mỗi CB, ĐV cần thấu hiểu vai trò to lớn của ý chí trong giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng và hoàn thiện phẩm chất nhân cách con người. Muốn vậy, cần thường xuyên bồi đắp, xây dựng cho mình có những thuộc tính cơ bản của ý chí, đó là tính mục đích, tính độc lập, tính kiên trì, tính quyết đoán. Làm gì cũng phải hướng đến mục đích cầu thị, vì sự phát triển, trưởng thành của bản thân, vì sự tiến bộ, vững mạnh của tập thể. Có tính độc lập để luôn chủ động trong công tác, làm việc với tinh thần, trách nhiệm tốt để đạt năng suất, chất lượng cao. Có tính kiên trì để “thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng”, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Có tính quyết đoán, dũng cảm để không bao giờ chần chừ, do dự, chậm chạp trong giải quyết, xử lý công việc, mà luôn thể hiện thái độ dứt khoát, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời động viên, khuyến khích những tấm gương đảng viên nỗ lực vượt khó để học tập tốt, lao động giỏi, công tác hiệu quả, có nhiều đóng góp, cống hiến cho tập thể. Bên cạnh đó, cần chú ý nhắc nhở, uốn nắn, phê bình, xử lý những CB, ĐV sa sút ý chí phấn đấu, ngại khó ngại khổ, thái độ thờ ơ, làm việc cầm chừng, qua loa đại khái, thiếu trách nhiệm với công việc chung, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ.

Ở thời kỳ nào cũng vậy, những tấm gương đảng viên giàu ý chí phấn đấu luôn là một trong những biểu tượng đẹp của Đảng trong xã hội. Ngược lại, những đảng viên thiếu tu dưỡng, ngại rèn luyện, không có ý thức vượt khó vươn lên trong cuộc sống, công tác, không tận tụy hết mình vì công việc, vì tập thể sẽ làm xấu hình ảnh của Đảng trong con mắt nhân dân. Cách đây hơn 60 năm, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” viết tháng 12-1958, Bác Hồ chỉ rõ: “Muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu. Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải” và: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”.

Một trong những tấm gương đảng viên cộng sản trung kiên, mẫu mực nhất của Đảng ta là đồng chí Trần Phú. Trọn đời cống hiến và hy sinh ở tuổi đời còn trẻ, ngày 6-9-1931, trước khi trút hơi thở cuối cùng ở Nhà thương Chợ Quán, vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta đã dặn dò những người đồng chí của mình: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Thông điệp đó của cố Tổng Bí thư Trần Phú nhắc nhớ chúng ta không bao giờ được phép nhụt chí, lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách, mà cần bền bỉ rèn luyện, nhân lên tinh thần, khí thế cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng ở mọi lúc, mọi nơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể xem nhẹ biểu hiện sa sút ý chí phấn đấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.