Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư công kém hiệu quả vì “lợi ích nhóm”

Đức Tâm| 18/11/2019 06:46

(HNM) - Đầu tư công được ví như "đòn bẩy", “điểm tựa” để thúc đẩy các ngành và vùng trọng điểm, là đầu tàu thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả vì “lợi ích nhóm” trong đầu tư công ở nước ta hiện nay diễn biến phức tạp, dễ trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tìm ra giải pháp ngăn chặn thất thoát trong lĩnh vực này là đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống.

1. Ở nước ta, đầu tư công được chia thành 3 nhóm, gồm các hoạt động kinh tế, xã hội và hành chính. Thực tế thời gian qua cho thấy, lĩnh vực đầu tư công nào cũng phát hiện có tham nhũng, lãng phí mà nguyên nhân chủ yếu là quản lý yếu kém và “lợi ích nhóm”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” nêu rõ: “Đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc”… Phát biểu tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tổ chức ngày 16-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số yếu kém trong đầu tư công, bởi còn hiện tượng “sân trước, sân sau”, thậm chí “vườn sau” trong doanh nghiệp nhà nước…

Báo cáo Chính phủ ngày 3-7-2019 về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê cho thấy, vẫn còn rất nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước có vi phạm, gây thất thoát, lãng phí. Cụ thể, trong năm 2018, có 30.521 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng, chiếm 54% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ.

Tuy nhiên, trong số các dự án đó, có 245 dự án có vấn đề về kỹ thuật, không hiệu quả. Những tỉnh có số dự án thất thoát, lãng phí nhiều nhất là Bắc Giang (196 dự án), Phú Thọ (111 dự án), Quảng Ngãi (58 dự án)…

Trước đó, ngày 2-10-2017, tại phiên giải trình trước Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công (bản năm 2014) và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.700 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả ở các bộ, ngành, địa phương, trong đó nhiều nhất là ở Bộ Công Thương với 12 đại dự án thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng có nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả, điển hình là Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn 205,27%, chậm tiến độ 6 năm so với kế hoạch và chưa chốt được thời gian đưa vào sử dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công trình thủy lợi dự tính tưới tiêu 1.000ha, nhưng làm xong chỉ tưới được cho 500ha... Đây mới chỉ là số thống kê từ 30% dự án trên tổng dự án cần rà soát.

Thời gian qua, đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị xử lý hình sự vì tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công, như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận... Mới đây nhất, ngày 14-11-2019, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng thuộc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam vì hành vi sai phạm gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình có vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng…

Trong hai năm trở lại đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc cắt giảm các dự án đầu tư công kém hiệu quả; không cho khởi công dự án chưa rõ nguồn vốn... Tuy nhiên, tình trạng đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” vẫn tiềm ẩn, chưa chấm dứt. Trên thực tế, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang phải xử lý hậu quả những dự án tai tiếng, kém hiệu quả, lãng phí giai đoạn trước để lại.

2. Thất thoát, lãng phí trong đầu tư công kéo dài nhiều năm khiến hiệu quả đầu tư bị hạn chế, làm thâm hụt ngân sách và tăng nợ công quốc gia. Lo ngại hơn cả là những tiêu cực như tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình... dẫn đến phá hoại ngầm giá trị của xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Bởi có địa phương khi đưa ra bất kỳ một dự án nào, câu hỏi đầu tiên của người dân là: Có thất thoát không? Có lãng phí không? Có “lợi ích nhóm” không? Do đó, để ngăn chặn tình trạng này cần tăng cường một số giải pháp.

Ở tầm vĩ mô, cần nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; rà soát, sửa đổi những quy định của pháp luật cho phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020). Các cơ quan quản lý chuyên ngành cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, không sử dụng vốn dự phòng cho các dự án không đúng quy định. Cùng với đó là tăng cường mạnh mẽ hoạt động của Kiểm toán Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công.

Ở tầm vi mô, cần làm tốt công tác quy hoạch bảo đảm đồng bộ, thống nhất, hạn chế chồng chéo; hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch. Chủ trương đầu tư cần phân tích rủi ro để hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực. Cùng với đó, cần phân định rõ quyền và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư công.

Trong đó tập trung tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ và kiểm tra, thanh tra từ bên ngoài; tập trung kiểm tra, thanh tra những khâu dễ xảy ra tiêu cực thất thoát; phát hiện và làm rõ, xử lý nhanh, dứt điểm, nghiêm minh các sai trái, vi phạm.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để phát huy vai trò của lực lượng tư vấn, giám sát độc lập trong lập dự án, điều tra khảo sát, thiết kế, giám sát thi công, lập và thẩm định báo cáo quyết toán... Đặc biệt, cần tách lực lượng tư vấn, giám sát khỏi các bộ chuyên ngành mới chấm dứt được tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong đầu tư.

“Lợi ích nhóm” cùng với việc quản lý yếu kém đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí, mà hậu quả rõ nhất là khiến đầu tư công trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều này sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng mất niềm tin và nguy cơ xảy ra xung đột xã hội. Đây cũng là "mảnh đất" có nguy cơ cao dẫn đến “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thế nên, vấn đề quan trọng là phải tăng cường các giải pháp để quản lý đầu tư công minh bạch, hiệu quả, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và lựa chọn đầu tư theo hướng làm đến đâu chắc đến đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư công kém hiệu quả vì “lợi ích nhóm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.