Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa “điểm đen” tai nạn giao thông: Cần sự vào cuộc đồng bộ

Tuấn Lương| 27/04/2018 06:26

(HNM) - Trên nhiều tuyến quốc lộ vẫn tồn tại rất nhiều “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Nhiều điểm nằm ở các đoạn đường cong bán kính nhỏ, khuất tầm nhìn hoặc đường đèo dốc...

Tuy nhiên, đó chỉ là phương án hỗ trợ chứ không thể loại trừ hoàn toàn tai nạn, quan trọng vẫn là bản thân người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cũng như sự vào cuộc của các bên liên quan.


Phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Anh Tuấn


Xóa "điểm đen" trên các tuyến quốc lộ

Trên nhiều tuyến quốc lộ vẫn tồn tại rất nhiều “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT). Nhiều điểm nằm ở các đoạn đường cong bán kính nhỏ, khuất tầm nhìn hoặc đường đèo dốc. Chỉ riêng quốc lộ 4B qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có đến 8 “điểm đen”; trên tuyến quốc lộ 1B có 9 “điểm đen” và 20 vị trí tiềm ẩn nguy cơ TNGT... Tại các vị trí này, nếu phương tiện không chủ động giảm tốc độ, chú ý quan sát, khi vào cua lấn sang phần đường bên cạnh, gặp xe đi ngược chiều thì tai nạn rất dễ xảy ra.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, trên hệ thống quốc lộ còn 230 “điểm đen” và 550 điểm tiềm ẩn TNGT. Năm 2017, Tổng cục đã đầu tư xử lý trên 400 “điểm đen” và trong năm 2018 sẽ tiếp tục rà soát, ưu tiên dành khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn bảo trì để xử lý ngay khoảng 500 “điểm đen” có tính chất nguy hiểm, cấp bách.

PGS.TS Từ Sỹ Sùa, chuyên gia cao cấp về giao thông đường bộ cho rằng, TNGT xảy ra phụ thuộc vào 4 yếu tố: Điều kiện hạ tầng, con người, phương tiện, môi trường dân cư. Việc tập trung xóa “điểm đen” là cần thiết, song phân tích những vụ tai nạn xảy ra gần đây, nhất là với xe khách liên tỉnh cho thấy hoàn toàn do người điều khiển phương tiện. Do đó, việc xóa “điểm đen” chỉ là hỗ trợ, chứ không phải cứ xóa “điểm đen” là sẽ hết tai nạn mà quan trọng hơn là ý thức của người tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để nâng cao năng lực bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, tới đây Tổng cục sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo lái xe để xử lý hiệu quả các tình huống trên đường đèo dốc; gắn các biển báo tuyên truyền nhắc nhở lái xe đi đúng kỹ thuật; đi đúng làn đường, kiểm tra kỹ thuật phương tiện trước khi xuống dốc. Trên các đoạn dốc dài cần mở rộng tầm nhìn tại các khu vực bán kính cong; bố trí hộ lan có tường chắn tại các vị trí nguy hiểm kết hợp trồng cây trên taluy âm; lắp đặt thêm gương cầu lồi, sơn kết dính kết hợp đinh phản quang...

Rà soát lại các phương án cứu hộ, cứu nạn trên cao tốc

Vụ TNGT 6 xe tông nhau liên hoàn trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây xảy ra vào ngày 3-4 vừa qua có nguyên nhân ban đầu là do người dân đốt cỏ gây khói mù mịt khiến lái xe phải giảm tốc đột ngột. Tuy nhiên, theo phân tích của lực lượng chức năng, các xe ô tô lưu thông cùng chiều phía sau hai xe khách và xe đầu kéo không giữ khoảng cách an toàn nên xảy ra tai nạn.

Trước đó, vào ngày 18-3, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hướng Hà Nam - Hà Nội cũng đã xảy ra tới 4 vụ TNGT. Theo nhận định của cơ quan chức năng, tai nạn xảy ra do mưa phùn, hạn chế tầm nhìn, đường trơn, cùng với việc một số tài xế không giữ khoảng cách an toàn, không làm chủ tốc độ...

Các chuyên gia giao thông cho rằng, khi lưu thông trên đường cao tốc, việc phải giữ khoảng cách an toàn giữa các xe là hết sức cần thiết và quan trọng bởi hiện tượng mất lái, nổ lốp, hạn chế tầm nhìn hoặc tai nạn bất ngờ... là không thể tránh khỏi. Hiện lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông mới chỉ xử phạt các hành vi vi phạm trên đường cao tốc như: Chạy quá tốc độ quy định, dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định, lạng lách, chuyển làn đường không bật xi nhan... Việc nhắc nhở hay xử phạt các phương tiện về giữ khoảng cách an toàn trên các tuyến đường cao tốc hầu như chưa được thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, hiện nay mạng lưới đường bộ cao tốc ở nước ta đang phát triển rất nhanh, lượng phương tiện lưu thông trên loại đường này chiếm tỷ lệ cao trong khi đó kinh nghiệm, công tác quản lý của cơ quan quản lý, khai thác, địa phương, kể cả người tham gia giao thông còn hạn chế. Trên cơ sở đó, cần phải điều chỉnh các quy định pháp luật về quản lý, tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm kiểm soát những rủi ro trên đường cao tốc.

Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các quy định về cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn. Các đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc rà soát lại các phương án cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và tổ chức giao thông trên tuyến trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp các đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ cứu hộ, cứu nạn phải ứng trực 24/24 giờ; từng bước sẽ thành lập các trạm cứu hộ, cứu nạn có đầy đủ thiết bị, nhân lực, bố trí tại các trạm dừng nghỉ, các điểm với cự ly thích hợp để khi xảy ra tai nạn, sự cố sẽ có mặt kịp thời để ứng cứu và xử lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa “điểm đen” tai nạn giao thông: Cần sự vào cuộc đồng bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.