Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Tuấn Lương| 29/03/2019 11:08

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội mới có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sửa Thông tư 35/2017/TT-BGTVT ngày 9-10-2017 theo hướng cho phép thành phố tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện tại 4 gầm cầu đến hết năm 2023.


Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT, thành phố Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực giao thông nói chung, giao thông tĩnh nói riêng, trong khi lượng phương tiện gia tăng nhanh, diện tích đất cũng như các công trình hạ tầng dành cho giao thông tĩnh lại chậm phát triển.

Thực tế đó đòi hỏi thành phố phải có những biện pháp tức thời, tận dụng mọi khả năng, mọi vị trí có thể, có điều kiện để phục vụ nhu cầu đỗ, gửi xe của người dân. Cả 4 vị trí gầm cầu nói trên đều đã được thành phố cấp phép từ trước khi Thông tư này có hiệu lực và đều đã tổ chức khai thác ổn định nhiều năm qua.

Quá trình trông giữ không gây ảnh hưởng đến tổ chức giao thông, an ninh trật tự, bảo đảm các yêu cầu về phòng chống cháy, nổ... Nếu chiếu theo Thông tư 35/2017/TT-BGTVT thì các điểm này đã hết hiệu lực, cho nên thành phố phải kiến nghị sửa đổi.

Tuy nhiên, Bộ GTVT đã sớm bác bỏ kiến nghị này. Tại buổi họp báo quý I-2019 của Bộ GTVT tổ chức ngày 28-3, trả lời lý do "bác" đề xuất, bà Lê Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho rằng, gầm cầu là phạm vi phải bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Việc chiếm giữ gầm cầu để trông giữ phương tiện sẽ ảnh hưởng tới việc bảo đảm an toàn giao thông cũng như an toàn công trình. Các kho chứa vật liệu nổ, chất dễ cháy phải nằm ngoài phạm vi an toàn giao thông đường bộ; trong khi các phương tiện giao thông đều có chứa một lượng xăng dầu nhất định nên phải nằm ngoài phạm vi công trình...


Điều đáng nói là trước khi Bộ GTVT phản hồi đề xuất của Hà Nội, ngày 19-2-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021.

Đáng chú ý tại nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh thường xuyên rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chuyên gia giao thông Trần Sơn cho rằng, lập luận của Bộ GTVT không sai nhưng Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ thì rõ ràng là đã nới cho tình hình thực tế của các đô thị. Quan trọng là các cơ quan chức năng của Bộ GTVT cũng như Hà Nội cần rà soát, từ đó có phương án kiểm soát, sử dụng đúng mục đích các gầm cầu có thể xem xét cho phép làm bãi đỗ xe ở thời điểm hiện nay.

Trước nhu cầu bức thiết của người dân cũng như thực tế khó khăn của các đô thị lớn trong việc bố trí quỹ đất phục vụ giao thông tĩnh và tiến độ triển khai các dự án xây dựng bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch còn chậm thì việc tìm ra giải pháp ngắn hạn nhằm đáp ứng các mục tiêu trước mắt là điều nên được cân nhắc một cách thấu đáo nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.