Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào đường sắt

Lương Ninh Giang| 25/09/2019 19:54

(HNMO) - Chiều 25-9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thúc đẩy hạ tầng đường sắt phát triển: Nút thắt và giải pháp”.

Trong vài năm gần đây, dịch vụ vận tải đường sắt đã có những bước cải thiện, tỷ lệ tàu Thống Nhất chạy Bắc - Nam và tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt gần 99%, đến đúng giờ đạt gần 90%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bán vé được triển khai hiệu quả, nâng cao dần khả năng đóng mới toa xe, lắp ráp đầu máy...

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đang ngày càng bộc lộ hạn chế, bất cập. Hiện, toàn tuyến đường sắt có 1.852 cầu nhưng có gần một nửa xuống cấp, chưa được đầu tư, có 39 hầm thì 22 hầm cần được cải tạo. Tải trọng cầu đường trên tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh không đồng đều dẫn tới khả năng vận chuyển toàn tuyến bị giảm sút.

Bên cạnh đó, đường sắt vận hành chủ yếu trên khổ đường 1m, chiếm 85% hệ thống đường sắt cả nước. Toàn tuyến có 297 nhà ga nhưng phần lớn quy mô nhỏ, hạ tầng cũ. Thị phần vận tải đường sắt cả hàng hóa và hành khách hiện chỉ còn dưới 2%.

Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khó khăn của ngành đường sắt do suất đầu tư thấp, kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng 30-40%. Cứ trình lên 1.000 hạng mục thì bỏ lại 600 hạng mục, mỗi năm tích tụ lại như vậy, đến nay đường sắt trở thành một “thân thể già nua”...

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, hệ thống đường sắt hình thành từ thế kỷ trước nhưng mạng lưới bao nhiêu năm qua vẫn như cũ, không xây dựng thêm được những tuyến mới để kết nối các vùng miền mà vẫn tập trung ở trục Bắc - Nam. Thậm chí, một số tuyến còn bị dỡ bỏ. Thực tế trong nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào đường sắt, với rất nhiều hạng mục, nội dung. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: "Chúng ta chắc chắn phải kêu gọi đầu tư ở khối bên ngoài nhà nước nhưng phải xác định rõ những hạng mục nào cần kêu gọi; xác định rõ hạ tầng đường sắt, nhất là đường sắt quốc gia vẫn phải nhà nước đầu tư; nhưng phải linh hoạt trong việc giao, thuê hoặc nhượng quyền khai thác cho tư nhân. Ví dụ như đầu tư cả tuyến Hà Nội - Vinh, thì nhà nước phải đầu tư khoảng 80%, còn tư nhân có thể đầu tư đầu máy, toa xe vào khai thác một số ga trung tâm. Để kích thích phát triển, chúng ta phải hình thành các trung tâm về kinh tế, về logistics đủ lớn để kết nối đường sắt và phải xã hội hóa phần đó".

Do vậy, cần xác định rõ vai trò của tư nhân và Nhà nước phải can thiệp cái gì và tới đâu thì mới có thể hình dung ra bức tranh chung của đầu tư trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước còn hạn chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào đường sắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.