Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần giảm ùn tắc giao thông

Hoàng Minh| 26/10/2019 08:18

(HNM) - Cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ (gọi chung là taxi) hoạt động theo khung giờ tại một số tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội là giải pháp quan trọng được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội triển khai nhằm giảm ùn tắc giao thông. Sau hơn 2 năm thực hiện, dù còn một số khó khăn, vướng mắc đang tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp, song những kết quả mà giải pháp này mang lại đã góp phần không nhỏ trong việc giảm các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Đường Trường Chinh (đoạn từ phố Vương Thừa Vũ đến phố Tôn Thất Tùng) còn nhiều xe taxi vi phạm.

Không ảnh hưởng đến việc đi lại

Thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” được UBND thành phố phê duyệt ngày 24-8-2017, từ cuối năm 2017 đến nay, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong đó có giải pháp cấm taxi theo khung giờ tại một số tuyến đường, phố trên địa bàn thành phố.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại các tuyến phố cấm taxi như Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), ngõ 897 đường Giải Phóng (hướng từ đường Giải Phóng vào cổng Bến xe phía Nam), Khâm Thiên (chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa), tình trạng xe taxi đi vào các tuyến phố hầu như không còn, vào giờ cao điểm nhưng các tuyến đường không xảy ra ùn tắc. 

Anh Nguyễn Văn Vương, lái xe Hãng Taxi Sông Nhuệ cho biết: "Hằng ngày, tôi đều chở khách lên Bệnh viện Việt - Đức ở phố Phủ Doãn. Từ ngày Hà Nội triển khai cấm taxi vào một số tuyến phố nhằm giảm ùn tắc giao thông, tôi đều chấp hành nghiêm". Còn theo chị Nguyễn Sơn Hà, đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), từ ngày có quy định cấm xe taxi đi vào đường Lê Văn Lương tình trạng ách tắc giao thông nơi đây giảm đáng kể, giúp người dân lưu thông thuận lợi. 

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết: Quá trình triển khai, Sở đã bố trí các tuyến đường, phố cấm taxi luôn có hệ thống đường song song và giao cắt thuận tiện nên cơ bản không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc cấm taxi, ban hành chế tài xử lý lái xe đi vào đường cấm, tổ chức lắp đặt hệ thống biển báo giúp người dân dễ nhận biết...

"Với cách triển khai bài bản, sau hơn 2 năm, việc cấm taxi tại một số tuyến đường, phố đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần giảm điểm ùn tắc giao thông từ 41 điểm (năm 2017) xuống còn 27 điểm (tháng 10-2019)", ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết. 

Tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp

Mặc dù chủ trương cấm taxi trên địa bàn Hà Nội đạt được hiệu quả tích cực, song quá trình triển khai vẫn còn một bộ phận lái xe taxi cố tình đi vào các tuyến đường, phố cấm, gây khó khăn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đơn cử, tại đường Trường Chinh (đoạn giao cắt với phố Vương Thừa Vũ đến phố Tôn Thất Tùng), khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới vào sáng 22-10 cho thấy, vẫn còn không ít xe taxi của các hãng đi vào đường cấm. Cụ thể, vào 8h29 ngày 22-10, đang trong khung giờ cấm nhưng taxi mang biển kiểm soát 30F-912.02 vẫn cố tình len lỏi giữa dòng xe để vượt lên trước. Tương tự, vào lúc 8h34 cùng ngày, xe của Hãng Taxi G7, biển kiểm soát 30A-296.85 cũng đi với tốc độ rất nhanh rồi rẽ vào đường Lê Trọng Tấn... 

Cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi theo giờ hoạt động trên phố Khâm Thiên (hướng từ đường Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa) góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Thái Hiền

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, để xử lý một trường hợp lái xe đi vào đường cấm trong giờ cao điểm mất nhiều thời gian, nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao khiến công tác kiểm tra, xử lý chưa được triệt để.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, hiện vẫn còn tình trạng lái xe taxi lợi dụng lúc lực lượng chức năng không có mặt tại tuyến đường cấm taxi, hoặc gần hết thời điểm cấm để cố tình vi phạm. Chưa kể, hiện nay một số xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi chưa chấp hành nghiêm việc dán logo theo quy định khiến việc phát hiện, xử lý vi phạm gặp khó.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục triển khai cấm taxi trên một số tuyến phố. Để đạt kết quả cao, Sở thực hiện phương châm “vừa triển khai, vừa điều chỉnh” cho phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân và hoạt động kinh doanh của các hãng taxi.

Cụ thể, Sở tiếp tục khảo sát các tuyến phố có nguy cơ ùn tắc để cấm taxi vào giờ cao điểm, đồng thời phối hợp rà soát, điều chỉnh bỏ lệnh cấm taxi tại tuyến đường, phố có dự án triển khai nhưng đã hoàn thành. Sở cũng đẩy mạnh tuyên truyền để hướng dẫn các lái xe, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi chấp hành đúng các quy định của pháp luật và công tác tổ chức giao thông của thành phố. Ngoài ra, Thanh tra Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời vi phạm theo quy định.

Hà Nội hiện có 10 tuyến đường, phố đang thực hiện giải pháp cấm taxi theo giờ hoặc cấm 24/24 giờ, gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, đường Trường Chinh (đoạn giao cắt từ phố Vương Thừa Vũ đến phố Tôn Thất Tùng), Cát Linh (đoạn Giảng Võ - An Trạch), Vạn Bảo (đoạn giao cắt từ Vạn Phúc - Kim Mã), Phủ Doãn (hướng Tràng Thi đi Hàng Bông), ngõ 897 đường Giải Phóng (hướng từ đường Giải Phóng vào cổng Bến xe phía Nam), Khâm Thiên (chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa) và cầu Chương Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần giảm ùn tắc giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.